Hệ thống chính trị và người dân đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương đang tranh thủ từng giờ từng phút triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Hệ thống chính trị và người dân đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Đoàn y bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Tp.Hồ Chí Minh được điều động đến Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh tâm thần Thủ Đức để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại đây. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương đang tranh thủ từng giờ từng phút triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng người dân đồng lòng

Chiều 30/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) Tôn Thất Thạnh cho hay, tính từ 13 giờ ngày 29/7 đến 13 giờ ngày 30/7, Đà Nẵng ghi nhận 68 trường hợp mắc COVID-19.

Trong đó, 54 trường hợp đã được cách ly tập trung, 4 trường hợp trong khu vực phong tỏa; 10 trường hợp chưa được cách ly. Những ca mắc này đều trong các chuỗi lây nhiễm đã được phát hiện từ trước.

Ông Tôn Thất Thạnh cho biết, nhằm đánh giá lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Đà Nẵng sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những đại diện hộ gia đình chưa được xét nghiệm, với khoảng 150.000 người (dự kiến có kết quả trong 3 ngày).

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng có ca mắc COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy thành phố đang có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao và tập trung từ chuỗi lây nhiễm Cảng cá Thọ Quang.

[Khánh Hòa chuẩn bị đưa Bệnh viện dã chiến số 4 vào hoạt động]

Với tình hình trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu mọi cơ quan đơn vị, địa phương cần phải quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; bám sát nội dung Nghị quyết 08-QĐ/TU của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị Văn phòng Ủy ban Nhân dân khẩn trương gửi biểu mẫu xác nhận được phép ra đường cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong ngày mai (31/7).

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khẩn trương có văn bản báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình dịch bệnh tại thành phố để có quyết định miễn thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 2.

Các sở ngành khẩn trương tham mưu, hướng dẫn công tác tuyên truyền, công tác xử phạt; yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng người dân đồng lòng cùng thành phố trong cuộc chiến phòng, chống dịch.

Bình Dương đang thiếu hụt hơn 5.500 y, bác sỹ và điều dưỡng

Theo Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận thêm 1.920 ca mắc COVID-19 mới. Đây là con số cao kỷ lục tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay. Đặc biệt, qua công tác test nhanh lấy mẫu sàng lọc cho 1.034.398 người từ ngày 17/7 đến nay đã phát hiện 11.022 người dương tính với SARS-CoV-2 với tỷ lệ 1,1%.

Hệ thống chính trị và người dân đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt người ra đường sau 18g tại Bình Dương. (Ảnh: Tuấn Anh-CTV/TTXVN)

Trong 1.920 ca mắc mới COVID-19 có 64 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 1.067 ca trong khu cách ly, 231 ca trong khu phong tỏa, 558 ca qua sàng lọc cộng đồng. Thành phố Dĩ An là “vùng đỏ” với 1.031 ca trong ngày; tiếp đến là thành phố Thuận An 638 ca; huyện Phú Giáo 109 ca; huyện Bàu Bàng 18 ca; Thành phố Thủ Dầu Một 24 ca; thị xã Bến Cát 14 ca; Thị xã Tân Uyên 17 ca; huyện Dầu Tiếng 14 ca và 55 ca liên quan đến các tỉnh, thành khác.

Trước diễn biến phức tạp nêu trên, tỉnh Bình Dương đang khẩn trương bổ sung kế hoạch đầu tư thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000 giường và mở rộng lên 100.000 giường; trước mắt, bổ sung khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường và đang tiếp tục nâng lên 20.000 giường.

Tỉnh tiếp tục mua sắm vật tư, thiết bị, bộ xét nghiệm nhanh… đảm bảo đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp; đầu tư 60 máy thở, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy SP02… phục vụ điều trị. Tuy nhiên, tỉnh đang thiếu hụt hơn 5.500 y, bác sỹ và điều dưỡng.

Cụ thể, Bình Dương kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ thêm 1.486 bác sĩ, 4.014 điều dưỡng, kỹ thuật viên và các trang thiết bị y tế.

Song song đó, Bình Dương triển khai tiêm 1 triệu liều vaccine cho người dân; trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế; lực lượng người lao động, người dân trong vùng đang xảy ra dịch bệnh…

Xét nghiệm PCR để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Ngày 30/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức họp khẩn với các sở, ban, ngành cùng các địa phương theo hình thức trực tuyến. Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, tính từ 16 giờ ngày 29/7 đến 16 giờ ngày 30/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 140 ca, trong đó 136 ca trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và 4 ca trong cộng đồng.

Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 1.230 ca dương tính với SARS-CoV-2. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận số ca ca nhất với 382 ca, tiếp đến là huyện Long Điền và huyện Xuyên Mộc…

Về công tác điều trị, ông Trần Văn Tuấn cũng thông tin, hiện nay tỉnh đang điều trị 1.084 ca, trong đó có 39 trường hợp nặng, 3 ca rất nặng; 109 trường hợp bệnh nhân đã được xuất viện.

Nhận định về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Tuấn cho biết, số ca F0 ghi nhận trong khu cách ly tập trung vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.

Trong các khu cách ly tập trung, số ca mắc có thể sẽ còn tăng cao do mật độ người ở trong các khu cách ly rất đông. Chính vì vậy, cần tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp đã và đang thực hiện trong các khu cách ly.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền vẫn là ổ dịch nóng diễn biến phức tạp với số ca mắc cao 175 ca/371 ca của toàn huyện Long Điền.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 tại khu vực này để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; ngày 31/7, sẽ tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 3 để rà soát lại một lần nữa, với 22.450 người sẽ được xét nghiệm để tách F0 hoàn toàn ra khỏi khu vực này; mục tiêu 7 ngày tới sẽ cố gắng khống chế ổ dịch tại thị trấn Long Hải.

Tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý phương án huyện Long Điền áp dụng việc cấm người dân tại thị trấn Long Hải ra đường trong thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ  hôm sau.

Ủy ban Nhân dân huyện Long Điền chủ động lên kế hoạch, triển khai sớm để nhanh chóng khống chế dịch bệnh tại thị trấn Long Hải.

Bên cạnh đó, ông Phạm Viết Thanh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ động triển khai các nội dung liên quan, trên tinh thần tỉnh sẽ triển khai tiếp Chỉ thị 16/CT-TTg  từ 0 giờ ngày 2/8; cùng với đó, yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện nghiêm hơn, chặt chẽ hơn Chỉ thị 16, không chủ quan, lơ là để tránh dịch bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục