Giải pháp để hàng Việt chen chân vào kênh phân phối nước ngoài

Hệ thống bán lẻ nước ngoài: Kênh quảng bá hữu hiệu cho hàng Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc các tập đoàn nước ngoài thiết lập hệ thống phân phối tại Việt Nam trước hết dành cho người tiêu dùng Việt Nam.
Hệ thống bán lẻ nước ngoài: Kênh quảng bá hữu hiệu cho hàng Việt ảnh 1Hàng Việt đang chiếm ưu thế tại nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc mở cửa thị trường thời gian qua đã giúp hàng hóa Việt Nam có nhiều điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, việc kết nối cung cầu, nhằm tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài đang là kênh quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế.

Liên quan đến "Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có một số trao đổi với phóng viên nhằm làm rõ hơn những giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.

- Hiện nay, trên cả nước có khoảng 170 cơ sở bán lẻ thuộc các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp lớn như AEON, BigC… Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam khi hàng hóa tham gia được vào các kênh bán lẻ này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Theo con số mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hiện nay hơn 60% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ rằng rất quan tâm đến Cuộc vận động, ưu tiên mua hàng hóa Việt Nam.

Có thể thấy, hiện nay phần lớn hàng hóa trong siêu thị, kể cả hàng hóa của các tập đoàn bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì hàng Việt chiếm lĩnh khoảng trên 80%.

Nếu các tập đoàn này làm tốt sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, người sản xuất Việt Nam và của nông dân Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam. Theo tôi, đây là kênh tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm của Việt Nam.

- Hiện nay, phía BigC cam kết hàng hóa bán trong siêu thị của họ có đến 90% là hàng Việt Nam, vậy ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Khi chúng ta muốn xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thì có nhiều biện pháp. Tôi lấy ví dụ, doanh nghiệp hiện nay muốn xuất khẩu thì thông qua các doanh nghiệp thương mại rồi họ bán lại cho các đơn vị khác, trong đó có siêu thị.

Tuy vậy, khi doanh nghiệp bán trực tiếp cho các tập đoàn nước ngoài thì ưu điểm lớn nhất là khi các tập đoàn đó đã chấp nhận hàng hóa để vào mạng lưới của họ rồi thì đồng nghĩa với việc hàng hóa đó sẽ được chấp nhận trong toàn hệ thống phân phối của họ trên thế giới.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp của chúng ta còn đang yếu về kinh doanh quốc tế, tiềm lực quảng cáo, quảng bá các sản phẩm của mình nên thông qua các hệ thống này thị trực tiếp đưa đến người tiêu dùng cuối cùng nên giá thành cũng như việc tiêu thụ sẽ rất tốt.

Ngoài ra, một điểm quan trọng nhất là khi đã bán cho siêu thị đồng nghĩa với việc hàng hóa của chúng ta đã được đảm bảo về mặt chất lượng, kể cả thương hiệu của sản phẩm hàng hóa đó. Đây cũng là một bước tốt để chúng ta dần dần xây dựng được thương hiệu hàng hóa Việt Nam và thông qua đó xây dựng được thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Hệ thống bán lẻ nước ngoài: Kênh quảng bá hữu hiệu cho hàng Việt ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Khi triển khai Đề án hàng Việt Nam vào các mạng phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương đặt ra những kỳ vọng gì?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao của AEON, Central Group và cũng bàn đến việc làm sao tăng sản lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường trong hệ thống phân phối của các tập đoàn này.

Theo số liệu thống kê, năm 2017, tại hệ thống của AEON đã đưa được hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống phân phối trên toàn thế giới với giá trị khoảng 200 triệu USD. Nhưng năm nay, hai phía đã bàn luận để cố gắng nâng con số này lên gấp đôi so với năm ngoái.

Về lâu dài, việc đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp có kỹ năng để thâm nhập vào thị trường nước ngoài, hiểu rõ được thị hiếu của người tiêu dùng tại các khu vực đó, cũng như có biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu hàng hóa của mình để thâm nhập vào các thị trường mà chúng ta đang hướng tới.

- Hiện nay hàng hóa đã vào được hệ thống phân phối tại Việt Nam. Để ra được nước ngoài, ta cần có những biện pháp như thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chúng ta cũng thấy các tập đoàn phân phối nước ngoài thiết lập hệ thống phân phối tại Việt Nam trước hết là dành cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định là hàng hóa đó phải có chất lượng.

Quan trọng hơn, hàng hóa đó phải đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường chúng ta đang nhắm tới về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì...

Về phía Bộ Công Thương cũng đã mở các lớp tập huấn, đào tạo để các chuyên gia của các tập đoàn lớn hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam những kiến thức về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng và quan trọng hơn là làm thế nào để đảm bảo chất lượng các sản phẩm đó có thể đáp ứng được yêu cầu của từng phân khúc thị trường.

Mục tiêu thực hiện đề án này chính là tăng cường kim ngạch xuất khẩu được hàng hóa của Việt Nam và cũng từng bước xây dựng thương hiệu của hàng hóa Việt Nam và xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục