Trong năm 2020, khoảng 14 triệu người dân đã nhận được cần trợ cấp từ gói hỗ trợ khẩn cấp khi gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng đã cho thấy vai trò quan trọng khi đã phần nào san sẻ gánh nặng với Chính phủ trong giải quyết khủng hoảng do dịch bệnh.
Bước sang năm 2021, hệ thống an sinh xã hội với các chính sách bảo hiểm, trợ cấp xã hội được các chuyên gia nhận định sẽ vẫn là một trong những công cụ hữu ích để bình ổn xã hội, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Bệ đỡ giải quyết khủng hoảng
Theo thống kê của các Trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2020 cả nước có hơn 1 triệu người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32,3% so với năm 2019. Khoảng 1,06 triệu người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp là 18.200 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng). Khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp này đã giúp hơn 1 triệu người lao động bị mất việc làm vì COVID-19 có thể trang trải cuộc sống trong thời gian khó khăn.
Đối với những lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ cũng triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 1 triệu lao động với kinh phí hơn 1.027 tỷ đồng. Những người lao động được hỗ trợ là lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc; lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, ngoài chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã kịp thời ban hành gói trợ cấp xã hội để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Không chỉ hướng đến lao động bị mất việc, gói chính sách trợ cấp khẩn cấp còn hướng đến những đối tượng khác như hộ nghèo, cận nghèo… Gần 8 triệu người nghèo, hơn 1 triệu người có công với cách mạng, hơn 2,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội cũng đã nhận được trợ cấp do gặp khó khăn vì COVID-19.
Các chuyên gia nhận định năm 2020 là một năm mà hệ thống an sinh xã hội đã thể hiện được vai trò của mình trong giải quyết khủng hoảng, khi mà các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cả các gói trợ cấp đều đã phát huy hiệu quả hỗ trợ người dân vượt qua những thử thách, cam go.
[Tạo cơ chế, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động]
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28 chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần 10 năm trước đây. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 12,7 lần so với năm 1995. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân…
Ngoài các chính sách bảo hiểm, trợ giúp xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Hiện trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi. Tính đến nay, có 3% dân số được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện.
Cơ hội mở rộng mạng lưới an sinh xã hội
Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích. Các gói hỗ trợ này trong tương lai sẽ củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.
Theo tiến sỹ Chang-Hee Lee, việc Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhóm giải pháp đầu tiên nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp bằng hình thức trợ cấp tiền mặt là những nỗ lực rất đáng khen ngợi. Những hệ thống bảo trợ xã hội thực sự đóng vai trò quan trọng trong mọi biện pháp ứng phó khủng hoảng, giải quyết ba khía cạnh chính của đại dịch và những tác động về kinh tế và xã hội mà đại dịch gây nên.
Trong năm 2021, tác động của đại dịch COVID-19 tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước, do đó an sinh xã hội sẽ tiếp tục là công cụ bình ổn kinh tế và xã hội. Cú sốc do đại dịch có thể sẽ gây tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội trong dài hạn, điều này đòi hỏi phải hành động nhanh chóng và phải có các chính sách kinh tế-xã hội quyết liệt.
“Bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy bảo trợ xã hội có hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện đối với nền kinh tế hơn so với các giải pháp khác. Hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội đảm bảo các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình có thể duy trì tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tổng cầu và vạch ra một con đường chắc chắn cho công cuộc phục hồi sau khủng hoảng,” tiến sỹ Chang-Hee Lee nói.
Ngân hàng thế giới (WB) nhận định hệ thống an sinh xã hội sẽ ngày càng trở thành bộ phận cốt lõi của chính sách kinh tế, chứ không chỉ của chính sách xã hội của Việt Nam. Hệ thống an sinh xã hội sẽ ngày càng cần phải là một hệ thống khuyến khích tiết kiệm quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng bao trùm, ứng phó với dân số già, thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả hơn, quản lý rủi ro cấp quốc gia và cấp hộ gia đình.
Các chuyên gia của WB cho rằng dần dần Việt Nam sẽ phải chi ngân sách nhiều hơn cho hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, cho bảo hiểm xã hội khi dân số già đi và tỷ lệ bao phủ mở rộng cho các chương trình lao động tích cực mà chi ngân sách hiện đang ở mức thấp. Việt Nam sẽ cần phải phát triển cách thức tài trợ cho hệ thống an sinh xã hội, nếu Chính phủ dự định đưa khu vực phi chính thức tham gia nhiều hơn vào các chương trình phòng ngừa.
Trong năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Khó khăn do COVID-19 khiến người lao động nhìn nhận rõ những rủi ro và hiểu hơn tầm quan trọng của an sinh xã hội. Thực tế cho thấy năm 2020 mặc dù còn nhiều khó khăn, người lao động bị giảm thu nhập nhưng vẫn là một năm thành công trong việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ họ trước những rủi ro. Năm 2021 sẽ là năm bắt đầu cho những mục tiêu của giai đoạn mới. Cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mở rộng hệ thống an sinh xã hội, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong năm nay./.
Trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra mục tiêu: Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, (vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28). Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ khoảng 91,58% dân số. |