Du lịch Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy “bão tố.” COVID-19 đã khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm tới 79,5% so với 2019 (chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt); khách nội địa giảm 34,1% (đạt 56 triệu lượt); tổng thu du lịch giảm 58,7% (khoảng 312 nghìn tỷ đồng) - mức giảm tương đương 19 tỷ USD.
Đây là những con số đáng buồn được Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành dịp cuối năm vừa qua.
[Du lịch Việt Nam 2021 sẽ phục hồi nhanh với những xu hướng mới]
Tuy nhiên, dẫu thiệt hại nhưng du lịch Việt Nam lại đang có nhiều cơ hội phục hồi hơn so với thế giới nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Chính vì thế, toàn ngành đã xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp phục hồi trong thời gian tới.
“Liên kết, hành động và phát triển”…
Trước những con số sụt giảm nghiêm trọng của du lịch năm 2020, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản cũng như ban hành các văn bản trong thẩm quyền để kịp thời ứng phó với COVID-19, đảm bảo an toàn cho du khách, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ ngành du lịch.
Dịch bệnh được kiểm soát, Tổng cục Du lịch cũng đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.” Chương trình ngay sau đó nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, thu hút khách nội địa tăng trở lại, giảm bớt thiệt hại du lịch Việt.
Tại hội nghị tổng kết năm 2020 diễn ra mới đây, lãnh đạo các đơn vị của ngành đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai hoạt động du lịch an toàn, tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành, giải pháp quản lý một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới, quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ mới...
Trước chặng đường mới của du lịch nước nhà đã được mở ra khi tình hình dịch bệnh COVID-19 về cơ bản được kiểm soát tốt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, năm 2021 với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển,” Tổng cục Du lịch cùng ngành du lịch cần tập trung vào sáu nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tăng cường liên kết trong ngành du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch, triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch. Hai là, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, rà soát đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Ba là, nghiên cứu định vị lại các thị trường du lịch quốc tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng khách, định hướng và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường khách. Bốn là, tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa.
Năm là, tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, bản đồ du lịch… Cuối cùng là, quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở cả cơ quan quản lý nhà nước và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
…để phát triển “hệ sinh thái du lịch thông minh”
Một năm đầy “bão tố” và thiệt hại nhưng nhìn ở góc độ khách quan, có lẽ dịch bệnh COVID-19 lại như phép thử cho ngành du lịch, là dịp để biến “nguy” thành cơ, là cơ hội để cơ cấu, từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các địa phương với đối tác cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ du khách...
Để tái khởi động ngành du lịch một cách mạnh mẽ vượt qua “nốt lặng 2020,” Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng giải pháp ưu việt cần tập trung cho chặng đường tới là ứng dụng công nghệ để phát triển.
“Là một trong những ngành kinh tế dịch vụ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, ngành du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, quản trị thông minh để từng bước hội nhập và phát triển, vượt qua những khủng hoảng khó khăn trước mắt. Ngành du lịch phải chủ động đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập ‘hệ sinh thái du lịch thông minh’,” ông Khánh nói.
Thực tế, công nghệ số đã và đang hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc tính toán xu hướng nhu cầu khách hàng. Thành công bước đầu của những sàn giao dịch du lịch trực tuyến “made in Vietnam” như ivivu.com, yeudulich.com... là minh chứng về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh của thị trường Việt.
Muốn tái cấu trúc lại ngành, du lịch cần tiếp tục bắt đầu từ đâu nữa? Chắc chắn không thể thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh mới, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tái cấu trúc thị trường, thiết kế sản phẩm du lịch tập trung vào: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (biển, núi); du lịch sinh thái, du lịch xanh quan tâm đến phát triển bền vững, gần gũi với thiên nhiên; du lịch chăm sóc và rèn luyện sức khỏe; các trải nghiệm sống chậm và thư giãn, du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm; các trải nghiệm tự do khám phá...
“Tuy nhiên, để phòng tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình tái cơ cấu thị trường, sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp du lịch dịch vụ cần tính toán cẩn trọng theo hướng không để bất cứ thị trường nào giữ vai trò chi phối đồng thời tăng tổng thu từ du lịch. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, để khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn là mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển du lịch lâu dài, vượt qua khó khăn trong thời gian tới,” Tổng Cục trưởng nhấn mạnh./.