Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani có thể không phải là người duy nhất hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc đàm phán hòa bình với Taliban.
Có lẽ, Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu cũng hoan nghênh quyết định này trong bối cảnh Israel sắp tiến hành bầu cử quốc hội vào tháng Chín này.
Sự hủy bỏ này dường như làm giảm nỗi lo sợ vốn ngự trị trong tâm trí của ông Netanyahu và cộng đồng tình báo Israel trong những tuần qua khi họ cho rằng ông Trump có thể đảo ngược đường lối cứng rắn đối với Iran và tìm cách đàm phán để hóa giải những bất đồng với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
Nỗi lo sợ của Israel nảy sinh từ việc ông Trump không ngừng bày tỏ mong muốn gặp gỡ Tổng thống Iran Rouhani, từ các cuộc đối thoại bên lề cuộc họp Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra hồi cuối tháng Tám tại Biarritz giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng như từ lúc Trump vào phút chót đã quyết định rút lại lệnh tấn công quân sự nhằm vào Iran hồi tháng Sáu.
Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố với báo giới rằng ông không có bất kỳ phản đối nào về việc thương lượng trực diện với Tổng thống Rouhani. “Mọi thứ đều có thể,” ông Trump nói với các phóng viên.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Netanyahu có thể coi việc ông Trump hôm 10/9 sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là một dấu hiệu lo lắng khác. Ông John Bolton là một trong những người thấu hiểu nhà lãnh đạo Israel nhất trong nội các Mỹ khi đề cập đến vấn đề Iran.
Bình luận về nỗi lo sợ tồi tệ nhất của ông Netanyahu, ông Ali Vaez, chuyên gia về Iran thuộc International Crisis Group miêu tả sự ra đi của ông Bolton là “một cơ hội để giảm căng thẳng (giữa Mỹ với Iran).” Tuy nhiên, ông Netanyahu và tình báo Israel có thể rút ra hai kết luận từ việc hủy hòa đàm với Taliban.
Nếu việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ tháng 5/2018 bất chấp có nhiều ý kiến nhất trí rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này tuân thủ thỏa thuận được kỳ năm 2015 khiến Iran cho rằng Mỹ không đáng tin cậy để tôn trọng những cam kết của Washington thì việc hủy hòa đàm với Taliban đã nhấn mạnh những rủi ro khi can dự với vị tổng thống Mỹ này.
Do đó, Tổng thống Iran Rouhani, người đề xướng thỏa thuận hạt nhân vốn bị yếu thế do Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và né tránh chỉ trích của lực lượng Iran theo đường lối cứng rắn, có thể thậm chí sẽ do dự hơn nữa khi can dự với Trump. Đó là điều mà Thủ tướng Israel Netanyahu hy vọng khi dựa trên những đánh giá tình báo về Tổng thống Iran Rouhani trong những tuần vừa qua.
Tháng trước, Tổng thống Rouhani ban đầu đã bày tỏ sẵn sàng gặp Trump mà không cần điều kiện tiên quyết nào, song sau đó lại tỏ ra cứng rắn về quan điểm của mình khi khăng khăng yêu cầu Washington phải trước tiên gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ngoài ra, việc Trump hủy hòa đàm với Taliban dường như cũng củng cố sự bất tín sâu sắc của lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đối với Mỹ.
Ông Netanyahu và cơ quan tình báo Israel có thể rút ra kết luận thứ 2 từ sự hủy bỏ này. Ông Trump tuyên bố các cuộc hòa đàm đã “chết” đã làm nảy sinh nỗi lo lắng về việc Trump sẽ do dự để lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự rộng lớn hơn ở Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Taliban.
Trong nỗ lực nhằm củng cố lợi thế của mình và làm phân tán sự chú ý của dư luận sau một vài thất bại trong chiến dịch bầu cử của mình, ông Netanyahu hôm 9/9 đã phát biểu trên truyền hình rằng chế độ “dối trá” của Iran lâu nay đã ngầm phát triển vũ khí hạt nhân tại một địa điểm cho đến nay chưa được biết đến ở gần Abadeh, phía Nam của thành phố Isfahan.
Thủ tướng Israel khẳng định rằng Iran đã từng phá hủy địa điểm này khi nhận ra Israel đã phát hiện ra nó. Ngoại trưởng Iran Zarif đã bác bỏ các cáo buộc này của Israel.
Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang “chế” lại thông tin đã lỗi thời nhằm tạo nên sự mập mờ giữa nhu cầu tái đắc cử của ông Netanyahu và những mối quan ngại an ninh thực sự của Israel.
Nhà báo Amos Harel, cây bút bình luận của tờ Haaretz cho rằng có dấu hiệu thao túng thông tin trong cách trình bày của ông Netanyahu. Cây bút này khẳng định: “Trái ngược với những gì mà ai đó có thể hiểu về nhận định nói trên, sự vi phạm này của Iran xảy ra trước thời điểm ký thỏa thuận hạt nhân.”
Trong nỗ lực nhằm thuyết phục cử tri Israel rằng ông là nhà lãnh đạo Israel với độ tin cậy và đảm bảo an ninh cho người dân Israel trước thế lực như Iran, củng cố quyết tâm của Mỹ trong việc buộc Iran phải khuất phục và thuyết phục các nước khác rằng Iran là nguồn gốc của mọi tội phạm, Thủ tướng Netanyahu có nguy cơ gây ra không chỉ căng thẳng ở Trung Đông mà còn làm phát sinh một cuộc đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. Thái độ quyết đoán của Netanyahu cũng có nguy cơ củng cố quyết tâm của Saudi Arabia trong việc cản trở bất kỳ bước tiến nào mà Iran có thể đạt được.
Bộ trưởng dầu mỏ mới bổ nhiệm của Saudi Arabia, Thái tử Abdulaziz bin Salman, tuyên bố vương quốc này muốn thúc đẩy phát triển một chu trình chương trình hạt nhân toàn diện, bao gồm giai đoạn sản xuất và làm giàu urani cho năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, những tuần qua, Iran đã dần phá vỡ những giới hạn về trữ lượng urani làm giàu được quy định trong thỏa thuận hạt nhân đồng thời lắp đặt các máy ly tâm hiện đại để buộc châu Âu có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ Tehran trước những tác động toàn diện của các đòn trừng phạt của Mỹ cũng như ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ.
Trong một chỉ dấu cho thấy cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có thể vượt khỏi tầm quyền soát tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tháng Chín này đã cho rằng Ankara có quyền phát triển năng lực hạt nhân cho mục đích quân sự. Đó là chưa kể đến thực tế là một cuộc đua vũ khí hạt nhân có thể khiến Israel, một cường quốc hạt nhân chưa công khai ở Trung Đông, nâng cao năng lực của họ để duy trì lợi thế chiến lược.
Học giả Luciano Zaccara chuyên nghiên cứu về vùng Vịnh cho rằng với những chính sách không được cố vấn tốt về vùng Vịnh, Chính quyền Trump không chỉ đang khuyến khích một cuộc đua hạt nhân trong khu vực... mà còn hủy hoại cơ chế không phổ biễn vũ khí hạt nhân trên phạm vi quốc tế.
Chuyên gia này nói: “Trong tình hình vi phạm hiện nay ở Trung Đông... việc thiếu vắng một thỏa thuận không phổ biến hạt nhân có hiệu lực mạnh mẽ sẽ khuyến khích một cuộc đua hạt nhân trong khu vực và làm gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công phủ đầu vốn có thể dẫn đến một cuộc chiến quy mô lớn.” Hậu quả tương tự cũng có thể xảy ra đối với chính sách của Thủ tướng Israel Netayahu./.