Những cam kết cắt giảm thuế từ các ứng cử viên cho vị trí kế nhiệm Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đặt thêm một nguy cơ nữa đối với lạm phát, điều có thể gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nâng lãi suất mạnh hơn.
Phần lớn trong số 11 ứng viên cho vị trí Thủ tướng Anh đều cam kết giảm gánh nặng thuế vốn được dự đoán sẽ lên mức cao nhất kể từ những năm 1940.
Hầu như không đề cập đến việc cắt giảm chi tiêu để bù đắp cho việc giảm thuế, những cam kết này đánh dấu sự thay đổi hơn nữa từ kỷ nguyên thắt chặt tài khóa đã kéo dài gần 10 năm trước khi dịch COVID-19 khiến chi tiêu và nợ tăng vọt.
[Biến động chính trị khiến kinh tế Anh rơi vào khủng hoảng]
Với nhiều người, chủ trương cắt giảm thuế không phù hợp với thực trạng kinh tế mà nước Anh đang gặp phải.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng Anh có nguy cơ lạm phát cao dai dẳng lớn hơn các nền kinh tế tương tự khác.
Trong khi đó, những người dự báo về tài khóa trong Chính phủ Anh cảnh báo nước này đang đối mặt với gánh nặng nợ không bền vững.
Cuộc chạy đua cắt giảm thuế này là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách của BoE, những người đang lo ngại về sự kéo dài dai dẳng của lạm phát.
Dù cắt giảm thuế có thể kích thích nền kinh tế vốn được dự đoán sẽ chững lại trong năm 2023, nhưng thâm hụt ngân sách gia tăng có thể khiến đồng bảng Anh yếu hơn nữa và thúc đẩy lạm phát. Điều này có thể khiến BoE phải nâng lãi suất mạnh hơn và nhanh hơn dự tính.
Các cam kết cắt giảm thuế được đưa ra tại các cuộc chạy đua vào các vị trí lãnh đạo trong chính phủ không còn xa lạ, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo việc thiếu tranh luận về những sự đánh đổi cho chủ trương này trong thời kỳ kinh tế bất ổn đã từng gây ra nhiều sai lầm chính sách trong quá khứ.
Vào đầu những năm 1970, chính sách "dash for growth" (tạm dịch: hướng đến tăng trưởng) của cựu Thủ tướng Edward Heath đã góp phần gây ra “cơn lốc” lạm phát vượt tầm kiểm soát vào giữa những năm 1970./.