Hệ lụy từ việc mức sinh giảm thấp: Cảnh báo thiếu hụt lực lượng lao động

Mức sinh giảm thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…
Mức sinh giảm thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động. (Ảnh: Trần Việt/Vietnam+)

Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế) mức sinh thay thế của Việt Nam đang giảm sâu nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí, một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Trong đó, Đông Nam Bộ có tỷ lệ giảm sâu (năm 1999, tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì nay chỉ còn 1,56 con). Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, nên tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.

Nếu mức sinh giảm thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, hoặc hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 26 năm. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và “siêu già” vào năm 2049. Sự chuyển đổi nhân khẩu học từ xã hội trẻ sang xã hội già sẽ gây ra những tác động đa chiều ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.

Có thể nói, mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số, quy mô dân số cũng như cơ cấu dân số tại một quốc gia. Nếu mức sinh quá cao sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Mức sinh quá thấp, kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động, gia tăng tốc độ già hóa. Những điều này sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm mức sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách. Từ những kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW là: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số hợp lý; góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Để bảo đảm mục tiêu đề ra, Bộ Y tế tiếp tục đánh giá thực trạng công tác dân số và các yếu tố tác động của dân số đến phát triển bền vững của đất nước để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền định hướng phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong thời gian tới, nhất là các chính sách liên quan đến già hóa dân số, giảm tỷ suất sinh...

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 tăng tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và duy trì kết quả sinh ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (2-2,1 con/gia đình). Chương trình này đã được triển khai thực hiện nhằm bảo đảm mức sinh thay thế phù hợp với từng vùng miền.

Bộ Y tế đang đề xuất điều chỉnh để bảo đảm mức sinh thay thế. Hiện có địa phương có mức sinh thay thế thấp nhưng cũng có địa phương có mức sinh cao, vượt mức sinh thay thế. Vì vậy, việc chỉnh sửa các giải pháp phù hợp với thực tế là cần thiết để không xảy ra tình trạng giảm mức sinh mà không thể tăng lại được như một số quốc gia phát triển hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục