Hệ lụy từ cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc

Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD, dư luận đang hết sức lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hệ lụy từ cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc ảnh 1Đồng tiền giấy 100 USD Mỹ (trước) và đồng 100 nhân dân tệ (phía sau) tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 24/7, Ngân hàng Nhân dân, ngân hàng trung ương của Trung Quốc, đã công bố tỷ giá hối đoái tham chiếu giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD là 6,7891 nhân dân tệ/USD, giảm 0,44% so với một ngày trước đó, đánh dấu lần tăng giá đầu tiên của đồng nhân dân tệ trong 8 ngày giao dịch.

Tiếp đến, ngày 25/7, tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ-USD đã đạt mức 6,8 nhân dân tệ/USD, khiến đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với đồng USD.

Sự giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ được cho là do bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, vào ngày 19/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) thao túng tiền tệ. Vài giờ sau, Bắc Kinh đã hạ tỷ giá hối đoái xuống mức 6,7671 nhân dân tệ/USD, một động thái để củng cố các chính sách tài chính và tiền tệ nhằm chuẩn bị cho nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài.

Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD, dư luận đang hết sức lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Washington sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu Bắc Kinh có thao túng tiền tệ hay không.

Theo một số nhà phân tích, Mỹ có thể sẽ chỉ định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào tháng 10 tới.

Đài phát thanh KBS của Hàn Quốc đã nêu ý kiến của giáo sư Kim Gwang-seok, ngành Quốc tế học, trường Đại học Hangyang phân tích về vấn đề này như sau:

Bộ Tài chính Mỹ đã đặt ra 3 tiêu chí để xếp một quốc gia vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Đó là thặng dư thương mại với Mỹ đạt từ 20 tỷ USD trở lên; thặng dư cán cân vãng lai chiếm hơn 3% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) và quy mô mua ngoại tệ trên thị trường lên tới 2% GDP.

Bắc Kinh chắc chắn thỏa mãn điều kiện đầu tiên, khi thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là khoảng 300 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 20 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không thỏa mãn 2 tiêu chí còn lại.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Bắc Kinh chỉ bằng 1,4% GDP của nước này. Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc chủ động can thiệp vào thị trường tiền tệ trong vòng 12 tháng nhưng quy mô can thiệp là khá nhỏ và Bắc Kinh có động thái can thiệp theo cả hai chiều, thay vì một chiều như tiêu chí mà Mỹ đặt ra.

Hiện nay, khả năng Trung Quốc bị Mỹ chỉ định là nước thao túng tiền tệ là khá thấp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ có thể thay đổi các tiêu chí đánh giá. Theo đó, Bắc Kinh có thể sẽ gặp rắc rối lớn nếu Washington áp dụng Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus, một đạo luật cho phép Tổng thống có thể áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với các quốc gia nếu xét thấy hàng hóa nhập khẩu từ những nước này gây tổn hại đến thị trường Mỹ.

[Liệu Trump có phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ?]

Nếu Trung Quốc bị chỉ định là một nước thao túng tiền tệ, Mỹ sẽ ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty của Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, các công ty Trung Quốc cũng không thể tham gia những dự án hợp tác lớn tại thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí có thể phải rút khỏi thị trường theo hình thức tái cơ cấu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ tăng cường giám sát đồng nhân dân tệ, trong khi Washington sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa bổ sung nhằm vào Bắc Kinh. Tất cả nguy cơ này sẽ gây ra dao động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu và hệ quả tất yếu là ảnh hưởng đến những thị trường khác trong khu vực. 

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung không chỉ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối toàn cầu mà còn khiến cổ phiếu, giá dầu mỏ và tài sản trên các thị trường mới nổi suy giảm.

Theo dự đoán, các nền kinh tế mở, quy mô nhỏ hơn như Hàn Quốc, Hungary và Cộng hòa Séc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất từ tranh chấp thương mại toàn cầu. Nếu cuộc chiến tiền tệ lan rộng, các nước như Hàn Quốc, vốn dựa chủ yếu vào nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm, sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh về giá.

Vào những năm 1980, Nhật Bản đã trải qua thời kỳ “20 năm mất mát” khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra. Theo đó, sau khi Thỏa ước Plaza được ký kết, đồng yen Nhật tăng giá mạnh so với đồng USD, khiến giá cả hàng hóa Nhật Bản quy đổi sang đồng USD tăng vọt, xuất khẩu của Nhật Bản trì trệ và nền kinh tế nước này rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung cũng có thể mang lại một số lợi ích cho đồng Won và thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Cùng với sự giảm giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đồng won Hàn Quốc cũng có thể giảm giá trị, giúp tình hình xuất khẩu của Hàn Quốc được cải thiện. Tuy nhiên, trước sức ép của Washington, đồng nhân dân tệ có thể phải tăng giá trở lại cho dù là do những diễn biến trên thị trường hay theo những toan tính riêng của Bắc Kinh. Điều này có thể mang lại cơ hội cho thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng như tác động tích cực đến đồng Won Hàn Quốc. 

Khi Bắc Kinh duy trì chính sách đồng nhân dân tệ yếu vào năm 2015, 2016, một lượng lớn vốn nước ngoài đã tháo chạy khỏi thị trường nước này. Để ngăn chặn kịch bản này tái diễn, Trung Quốc có thể sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Nếu Bắc Kinh tăng giá đồng nhân dân tệ, đồng won của Hàn Quốc và thị trường chứng khoán Hàn Quốc có thể sẽ tăng theo để duy trì tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền. Nói cách khác, đồng Won và thị trường chứng khoán Hàn Quốc sẽ thay đổi cùng chiều với đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, Seoul cần giảm thiểu rủi ro từ những sức ép của Washington lên đồng tiền của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc gặp trở ngại về xuất khẩu và thậm chí có thể rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế, có thể tạo ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc, trong bối cảnh Hàn Quốc đang xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa trung gian qua Trung Quốc. Do đó, Seoul cần chuẩn bị các đối sách phù hợp trước nguy cơ cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung bùng nổ.

Về trung và dài hạn, Hàn Quốc cần đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu và đảm bảo hoạt động sản xuất ở nhiều thị trường khác nhau ngoài Trung Quốc. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có rất ít phương tiện để nắm bắt được các chỉ số kinh tế vĩ mô như biến động tỷ giá hối đoái hay điều chỉnh lãi suất cơ bản. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cần cung cấp thông tin đầy đủ cho các doanh nghiệp này để họ có đối sách kịp thời.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng cần phải đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp nhằm đối phó với những biến động trên thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục