Trang Policy Forum đã đăng bài viết của học giả về quan hệ quốc tế Phillip Guerreiro, Đại học Quốc tế Florida (FIU), cho rằng với sự hỗ trợ đầu tư từ Trung Quốc, Lào đang nhanh chóng mở rộng sản xuất thủy điện trên sông Mekong.
Tuy nhiên hai nước này phải thực hiện các dự án một cách thận trọng để tránh hậu quả nghiêm trọng cho cả khu vực Đông Nam Á. Nội dung bài viết như sau:
Trong 15 năm qua, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã tăng cường tham gia phát triển thủy điện quốc tế, đặc biệt là ở lưu vực sông Mekong, chảy từ Trung Quốc về phía Nam qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Vai trò của sông Mekong
Sông Mekong rất quan trọng đối với sinh kế của những người dân sống hai bên bờ sông. Dòng sông cung cấp nước ngọt cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải và đánh bắt cá.
Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia tập trung phân tích việc Trung Quốc phát triển các đập trên phần sông Mekong chảy qua nước này, việc tài trợ và xây dựng đập của Trung Quốc ở các nước láng giềng hạ lưu sông Mekong (LMB) lại chưa được nghiên cứu đầy đủ.
LMB bao gồm 5 quốc gia, nhưng riêng Lào có hơn 80% các đập do các công ty Trung Quốc xây dựng trong khu vực.
[Kiểm toán cảnh báo ‘hiệu ứng dòng nước đói’ tại khu vực sông Mekong]
Trái ngược với cảnh báo về “bẫy nợ,” Lào dường như đang theo đuổi các thỏa thuận xây dựng đập thủy điện với Trung Quốc với sự chủ động và quyền tự quyết của mình. Trong khi Trung Quốc cung cấp tiền và bí quyết kỹ thuật, Lào theo đuổi các dự án đập theo cách riêng của mình.
Một mặt, các dự án này đem lại một số lợi ích không nhỏ. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến năm 2011, tổng công suất thủy điện ở Lào từ các khoản đầu tư của Trung Quốc đã tăng từ 200 megawatt (MW) lên khoảng 1.900 MW.
Tính đến năm 2019, ước tính công suất thủy điện của Lào từ các đập có sự tham gia của Trung Quốc đã đạt 5.000 MW - đủ để cung cấp điện cho hàng triệu gia đình.
Mặc dù vậy, những dự án này cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Trong khi giới quan chức coi các con đập là một phương tiện để phát triển kinh tế, nhiều người dân địa phương, các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ cho rằng chúng có hại cho môi trường, đặc biệt là nguồn thủy sản và sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế-xã hội.
Nhìn chung, thủy điện được xem như một công nghệ “xanh,” nhưng đây là một quan điểm phiến diện.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khối nước nhân tạo thường góp phần tạo ra sự phân hủy trong một khu vực, đẩy nhanh việc giải phóng các loại khí nhà kính như carbon dioxide, methane và nitơ oxide từ chất hữu cơ.
Các loại khí nhà kính từ các đập và hồ chứa chiếm từ 1 đến 2% lượng khí thải toàn cầu do con người gây ra, và điều này cần được các nhà hoạch định xây dựng chính sách thủy điện đưa vào trong các tính toán của mình.
Hơn nữa, dự toán xây dựng của các con đập rất không chính xác, vì thường xuyên phải bổ sung do khó khăn về kỹ thuật trong quá trình xây dựng thường đòi hỏi những điều chỉnh tốn kém.
Cuối cùng, đôi khi xảy ra sự cố vỡ đập, kể cả trong quá trình xây dựng. Năm 2018, Lào phải hứng chịu thảm họa vỡ đập ở tỉnh Attepeu, miền Nam nước này.
Vụ vỡ đập này làm 71 người chết, ít nhất 1.000 người mất tích và hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng bởi dòng nước lũ tràn đến tận phía Nam Campuchia.
Việc vỡ đập là một lời cảnh báo đối với Chính phủ Lào, quốc gia đang theo đuổi việc xây dựng những con đập lớn hơn nhiều.
Hơn nữa, các đánh giá về môi trường đều tỏ ra bi quan về tình hình sức khỏe người dân của lưu vực sông Mekong ở Lào.
Đập Xayabury trên dòng chính của sông Mekong đã ảnh hưởng đến chất lượng trầm tích phục vụ nông nghiệp, khả năng tiếp cận cá di cư và mực nước. Việc xây dựng thêm các đập dọc theo các phụ lưu trong lưu vực càng làm trầm trọng hơn những tác động tiêu cực này.
Thách thức lớn đối với Lào
Tuy nhiên, Lào tỏ ra không có ý định làm chậm lại tiến trình xây đập. Hiện nước này đang bước vào giai đoạn hai của Dự án thủy điện bậc thang sông Nam Ou ở miền Bắc, bao gồm 7 đập với tổng công suất thủy điện là 1.270 MW.
Mặc dù kế hoạch phát triển này có trước sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), nhưng đến nay đã được lồng ghép vào BRI.
Dự án này đặt ra những thách thức lớn đối với Bắc Lào, nơi có mật độ dân số thấp và tỷ lệ nghèo đói cao.
Các con đập sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề về chất lượng nước, làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và có thể làm giảm hơn 2/3 sự đa dạng sinh học của cá.
Bên cạnh đó, Lào cũng phải đối mặt với cam kết tài chính lớn đối với các dự án này trong bối cảnh Lào đang gặp khủng hoảng nợ nước ngoài, và việc khó trả khoản nợ này đã dẫn đến việc nước này phải nhượng cho Trung Quốc sử dụng một số dự án.
Vào tháng 9/2020, Công ty Lưới điện Phương Nam thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát phần lớn Electricite du Lào, một doanh nghiệp nhà nước của Lào có chức năng duy trì lưới điện quốc gia.
Sau đó, vào tháng 3/2021, các điều khoản của việc nhượng quyền này đã được hoàn tất, với thỏa thuận 25 năm cho phép Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc “xây dựng và quản lý lưới điện của Lào, bao gồm cả xuất khẩu điện sang các nước láng giềng” như là một phần của thỏa thuận.
Thực tế là Lào đã chuyển giao quyền kiểm soát năng lượng của mình cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Điều này gây lo ngại cho những người hoài nghi về các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và cũng có nghĩa là Lào không thể cản trở Trung Quốc một khi hai nước có khác biệt về lợi ích điện năng.
Theo quan điểm của Chính phủ Lào, mở rộng sản xuất năng lượng là con đường để tạo ra năng suất kinh tế. Mục tiêu của nước này là trở thành trung tâm sản xuất điện và là nhà xuất khẩu điện lớn trong khu vực, hay còn gọi là "cục pin của Đông Nam Á."
Đây cũng là lý do tại sao Lào liên tục nâng cấp lưới điện trong nước để đáp ứng các tải lớn hơn cho xuất khẩu, điều này cũng phù hợp với tham vọng của cả Đông Nam Á về việc nâng cấp lưới điện khu vực.
Ý định của Trung Quốc
Để hiểu ý định của Trung Quốc, điều quan trọng là phải xem xét vai trò của tỉnh Vân Nam. Nằm giáp với Lào và là nơi có sông Mekong chảy qua, tỉnh Vân Nam chủ trương đầu tư vào hạ nguồn.
Trung Quốc đã xây dựng các con đập trên phần sông Mekong của mình, nhưng tỉnh này không còn nhiều không gian cho việc xây thêm các con đập trong tương lai.
Để đẩy nhanh sự phát triển của các tỉnh nội địa Trung Quốc, đã có những lời kêu gọi sử dụng cơ sở hạ tầng ở tỉnh Vân Nam để kết nối các công ty Trung Quốc với các thị trường và nguồn lực Đông Nam Á thông qua "chiến lược đầu cầu."
Đề xuất này bao gồm các dự án như đường bộ, đường sắt và đập, do đó sẽ khiến nhu cầu điện tăng cao.
Với các tham vọng hiên nay về một lưới điện được kết nối trong khu vực và một quốc gia như Lào sẵn sàng xây dựng nhiều đập hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc có không gian rộng lớn cho việc xây dựng thêm nhiều đập.
Sau đó, họ có thể sử dụng các nhượng quyền về lưới điện của Lào để nhập khẩu năng lượng sản xuất ra từ các dự án này về Trung Quốc. Tình trạng thiếu năng lượng ở Trung Quốc khiến khả năng này gần như chắc chắn.
Trong khi các dự án này có tiềm năng và phù hợp với tham vọng năng lượng của khu vực, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc cần phải xem xét cẩn thận các tác động môi trường cũng như xã hội của các con đập. Về phía Lào, các nhà lãnh đạo nươc này phải đảm bảo các dự án không phát triển vượt quá khả năng của họ.
Trên hết, cả hai quốc gia cần nhớ rằng sông Mekong tiếp tục chảy ra ngoài biên giới của họ, nếu các dự án của hai nước không được thực hiện một cách cẩn trọng và có trách nhiệm, toàn bộ khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề./.