Hệ điều hành 'HongMeng' của Huawei liệu có đủ sức thay thế Android?

Để phát triển một sự thay thế cho Android trên các thiết bị của mình, Huawei đang cố gắng làm điều gì đó mà những gã khổng lồ công nghệ khác như Microsoft và Samsung chưa làm được.
(Nguồn: Reuters)

Quyết định của Google dừng hỗ trợ cập nhật hệ điều hành Android cho một bộ phận các thiết bị của Huawei đã mang đến cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc một trong những thách thức lớn nhất: làm thế nào để theo kịp các đối thủ nếu không thể sử dụng nền tảng đã cung cấp sức mạnh cho hầu hết các điện thoại thông minh khác trên thế giới?

Để trả lời cho câu hỏi trên, ngay từ năm 2012 đã có thông tin nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã chuẩn bị cho biến cố trên bằng cách xây dựng một hệ điều hành của riêng mình.

Và nay, khi “điều không mong muốn đã xảy ra,” Huawei thừa nhận sự tồn tại của hệ điều hành này, song chi tiết về nó vẫn còn trong màn bí mật.

[Huawei sẽ bị hạn chế truy cập vào hệ điều hành Android thế nào?]

“Chúng tôi đã chuẩn bị hệ điều hành của riêng mình. Nếu đó là trường hợp chúng tôi không còn có thể sử dụng các hệ thống này (như Android) ... thì chúng tôi cần phải tự được trang bị tốt,” ông Richard Yu, CEO của tập đoàn kinh doanh tiêu dùng của Huawei, nói với tờ báo Die Welt của Đức trong một cuộc phỏng vấn xuất bản vào tháng 3.

“Đây là kế hoạch B của chúng tôi. Nhưng tất nhiên chúng tôi muốn hợp tác với các hệ sinh thái do Google và Microsoft cung cấp.” – ông Yu nói.

Hệ thống đó giờ đây có thể trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Huawei.

Chính phủ Mỹ tuần trước đã áp đặt lệnh cấm bán hoặc chuyển giao công nghệ Mỹ cho Huawei - điều này có thể ảnh hưởng đến hàng trăm triệu điện thoại và máy tính bảng của hãng công nghệ Trung Quốc trên toàn thế giới.

Google cho biết họ sẽ tuân thủ các lệnh cấm vận của Mỹ và không cho phép Huawei truy cập vào một số thành phần cốt lõi của Android cũng như các dịch vụ độc quyền của hãng công nghệ Mỹ.

Mặc dù cả Google và Huawei đều trấn an người dùng rằng điện thoại hiện tại của họ sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường, nhưng điều này có thể gây ra sự cố lớn cho Huawei và các ứng dụng trên điện thoại của hãng này có thể trở nên không sử dụng được nếu không có quyền truy cập mã nguồn do Google cấp phép cho các nhà sản xuất điện thoại.

Và nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ, Huawei cũng có thể gặp rắc rối khi phiên bản Android tiếp theo được tung ra, bởi vì họ sẽ không có loại quyền truy cập đặc biệt mà các đối thủ như Samsung có được.

Trong khi đó, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 20/5, nền tảng hệ điều hành riêng của Huawei hiện đang trải qua các thử nghiệm, được đặt tên là “HongMeng,” và "sẽ dần thay thế Android."

Để phát triển một sự thay thế cho Android trên các thiết bị của mình, Huawei đang cố gắng làm điều gì đó mà những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp di động khác như Microsoft và Samsung chưa làm được: tạo ra một nền tảng thu hút cả người dùng và nhà phát triển ứng dụng.

Các nhà phân tích nói rằng sự phát triển kỹ thuật chỉ là một khía cạnh của thách thức. Phải mất nhiều năm để xây dựng niềm tin và sự tự tin với các nhà sản xuất ứng dụng để viết và bán phần mềm trên nền tảng mới cũng như thuyết phục người dùng chấp nhận nó.

Ông Ryan Whalen, phó giám đốc Trung tâm Luật và Công nghệ tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Việc xây dựng một hệ điều hành để làm tốt và làm thành công là cực kỳ khó.”

Ông Whalen đã lấy dẫn chứng về những thất bại gần đây trong phát triển hệ điều hành di động riêng của các hãng công nghệ lớn như Nokia, BlackBerry và Microsoft, đồng thời cho rằng Huawei sẽ phải đối phó với một “bất lợi cạnh tranh” khi các đối thủ sẽ có các dịch vụ Android cốt lõi.

Không có quyền truy cập đầy đủ vào Android và các dịch vụ phổ biến của Google, Huawei khó có thể thuyết phục khách hàng chọn điện thoại của mình thay cho những sản phẩm với đầy đủ tính năng của đối thủ.

Microsoft đã phải dừng hỗ trợ nền tảng Windows Phone của mình vào đầu năm nay và hệ điều hành Tizen của Samsung hầu như không được biết đến so với Android của Google và iOS của Apple.

Huawei biết rằng, “để trở thành một công ty viễn thông lớn, cuối cùng bạn phải có công nghệ cốt lõi của riêng mình,” Wong Kam Fai, giáo sư tại Đại học Hong Kong nói với hãng tin AFP. “Họ đã có nó, nhưng họ chưa sẵn sàng để đưa vào sản xuất. Sẽ tốt hơn nếu chuyện này xảy ra hai hoặc ba năm sau, nhưng nó đang xảy ra nên họ phải tăng tốc.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục