Hệ điều hành Harmony là một "kế hoạch B" đầy rủi ro của Huawei?

Về lý thuyết, Harmony có thể được sử dụng để thay thế hệ điều hành Android của Google trong điện thoại thông minh của Huawei và các thiết bị khác nếu Mỹ tiếp tục ngăn hai công ty hợp tác với nhau.
(Nguồn: AP)

Huawei có kế hoạch B để giúp bảo vệ mảng kinh doanh điện thoại thông minh toàn cầu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với việc ra mắt hệ điều hành tự phát triển Harmony. Nhưng theo các chuyên gia, điều này mang đến những rủi ro vô cùng lớn.

Về lý thuyết, Harmony có thể được sử dụng để thay thế hệ điều hành Android của Google trong điện thoại thông minh của Huawei và các thiết bị khác nếu Mỹ tiếp tục ngăn hai công ty hợp tác với nhau.

Ra mắt một hệ điều hành mới là khá dễ dàng, đặc biệt là đối với một công ty công nghệ lớn như Huawei. Gã khổng lồ công nghệ sử dụng hơn 180.000 người và có các nguồn lực, hạ tầng để xây dựng phần mềm. Nhưng thách thức lớn đối với Huawei là việc tập hợp các nhà phát triển xây dựng ứng dụng cho một hệ điều hành mới.

Các nhà thiết kế ứng dụng muốn sản phẩm của họ hoạt động trên nền tảng có nhiều người dùng. Trong nhiều năm, thị trường đã bị chi phối bởi hai nền tảng chính là Android của Google và iOS của Apple.

Nếu Huawei thất bại trước việc thu hút các nhà phát triển ứng dụng như Uber hoặc Instagram - hoặc thậm chí các dịch vụ ngân hàng và hàng không - hãng này sẽ gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục người dùng mua điện thoại Harmony.

Công ty thừa nhận rằng sự thành công của Harmony "sẽ phụ thuộc vào hệ sinh thái ứng dụng và nhà phát triển năng động".

"Huawei sẽ phát hành HarmonyOS như một nền tảng nguồn mở trên toàn thế giới," Huawei cho biết trong một tuyên bố. "Công ty cũng sẽ thiết lập một cộng đồng nguồn mở để hỗ trợ cộng tác sâu hơn với các nhà phát triển."

Nhưng những động thái trên của Huawei chưa đủ để xóa tan những lo ngại và rủi ro tiềm tàng. Trước Huawei, đã có những công ty công nghệ lớn khác phát hành các hệ điều hành nguồn mở để cạnh tranh với Android và iOS, song không thu hút đủ người dùng và nhà phát triển ứng dụng.

Đơn cử như Microsoft có quá ít ứng dụng khi ra mắt hệ điều hành di động Windows vài năm trước. Đó là chưa kể tới việc các ứng dụng chạy trên hệ điều hành Windows thường không tốt bằng ứng dụng chạy trên Android, iOS. Cuối cùng, Microsoft buộc phải ngậm ngùi "khai tử" nền tảng của mình. Blackberry cũng đã thử và thất bại trong việc ra mắt hệ thống riêng.

Jason Low, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Canalys nhận định một hệ thống có ít người dùng sẽ ít hấp dẫn hơn, vì thiếu cơ hội kiếm tiền.

Ngay cả Samsung, công ty sản xuất nhiều điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã phải chật vật để tạo sự thu hút với hệ điều hành riêng mang tên Tizen. Điện thoại Tizen đầu tiên ra mắt tại Ấn Độ vào năm 2015 với giá dưới 100 USD và Samsung đã bán được khoảng một triệu chiếc. Nhưng mẫu điện thoại này nhận nhiều đánh giá kém, bị chỉ trích là bản sao Android xấu xí, quá ít ứng dụng.

Samsung đã không phát hành điện thoại thông minh Tizen mới trong hơn hai năm qua. Hệ điều hành này hiện chủ yếu được sử dụng trên đồng hồ thông minh và tivi.

Huawei chứng kiến sự tăng trưởng hai con số trên thị trường toàn cầu gần đây, nhưng việc không có quyền tiếp cận vào dịch vụ của Google khiến điện thoại của họ trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều đối với người dùng quốc tế.

Theo IDC, quý trước doanh số toàn cầu chiếm khoảng một phần ba số lô hàng điện thoại thông minh của Huawei. Năm 2018, trước lệnh cấm, Huawei đã bán gần một nửa số điện thoại thông minh của mình bên ngoài Trung Quốc. Công ty cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Samsung và các công ty đối thủ của Trung Quốc.

Không có gì ngạc nhiên khi Richard Yu, CEO của mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết tuần trước rằng mặc dù công ty có thể bán điện thoại thông minh Harmony "bất cứ lúc nào" song vẫn dành "ưu tiên" cho Android.

Hiện tại, hệ điều hành mới sẽ được triển khai trên đồng hồ thông minh, màn hình thông minh, loa thông minh và các thiết bị được kết nối khác của Huawei./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục