Ngày 12/4, Kỳ họp thứ 5 (Kỳ họp chuyên đề) Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thảo luận, biểu quyết nhất trí thông qua 19 nghị quyết quan trọng.
Cụ thể, các nghị quyết về: điều chỉnh giảm Kế hoạch đầu tư công năm 2021; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách thành phố năm 2021 sang năm 2022; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021-2025 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2022.
Tán thành các nội dung điều chỉnh của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ sinh sống tại chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Hỗ trợ tài chính duy trì và phát triển Bóng đá Hải Phòng giai đoạn 2022-2026.
[Cảnh giác trước tin nhắn mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng]
Thông qua chương trình xây dựng các công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nhà điều trị bệnh nhân 7 tầng tại Bệnh viện Kiến An.
Chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động giai đoạn 1; Chủ trương đầu tư Dự án phòng, chống sạt lở núi Thiên Văn, quận Kiến An (giai đoạn 1); Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại Tổ dân phố Phương Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An.
Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân thành phố còn thông qua còn các nghị quyết về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư đảo Cát Hải tại xã Nghĩa Lộ và tuyến đường kết nối khu tái định cư với đường Tân Vũ - Lạch Huyện; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng nâng cao năng lực cơ sở trợ giúp xã hội thành phố Hải Phòng..
Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Công viên cây xanh nút giao Nam cầu Bính; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị-Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cải tạo đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng, huyện Thủy Nguyên.
Điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất; mức vốn ngân sách nhà nước dự kiến cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố năm 2022.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập nhấn mạnh để thực hiện tốt các nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, ngành, địa phương chú trọng một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022 đã được xác định tại các nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng Nhân dân thành phố để xây dựng các kịch bản và giải pháp cụ thể cho các tháng còn lại của năm.
Trong số đó, tập trung cao nhiệm vụ về giải phóng mặt bằng; thu ngân sách nhà nước và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chương trình, dự án trọng điểm.
Các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật; tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong đầu tư công; rà soát kỹ các dự án mới, sắp xếp thứ tự ưu tiên vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương đầu tư dứt điểm từng dự án để sớm đưa vào sử dụng; chỉ bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao về giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân; nâng cao chất lượng công tác lập hồ sơ các dự án; hạn chế tình trạng điều chỉnh dự án quá nhiều.
Đối với các chương trình, dự án mới, khó, cần vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm sau đó nhân rộng để hạn chế những phức tạp phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện./.