HĐND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2).
Toàn cảnh một kỳ họp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội. (Nguồn: hanoi.gov.vn)

Sáng 10/11, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 17 xem xét và quyết định các vấn đề kế hoạch đầu tư công thuộc thẩm quyền.

Cụ thể, xem xét và quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng trình Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận và quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế của thành phố vẫn tăng trưởng, các vấn đề xã hội tiếp tục ổn định và phát triển.

9 tháng đầu năm 2020, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 3,27% (bằng 1,54 lần mức tăng trưởng chung của cả nước). Tuy vậy, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt thấp, thu nội địa lũy kế 10 tháng ước đạt 183.180 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán, bằng 89,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Chi ngân sách địa phương cũng thấp, ước 10 tháng mới đạt 57,4% dự toán, trong đó chi đầu tư đạt thấp, mới chỉ đạt 47,1% dự toán.

[Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bền vững]

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đẩy mạnh chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thiết thực góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nội dung này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; Thành ủy quan tâm; Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng vừa tổ chức thành công phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công để rà soát, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân, triển khai các dự án đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020.

Việc điều chỉnh nhằm giảm vốn đối với các dự án không có khả năng triển khai theo kế hoạch đã giao; ưu tiên bố trí, bổ sung vốn đầu tư các dự án chuyển tiếp, các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, các dự án mới đủ điều kiện triển khai là việc cần làm ngay để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đây là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục, đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Cụ thể, đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, điều chỉnh giảm 308.415 triệu đồng của 29 dự án để tăng tương ứng cho 8 dự án của ba chủ đầu tư (gồm Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy).

Đối với nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện, giảm 83,5 tỷ đồng của 5 dự án và tăng tương ứng cho 8 dự án trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Với kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, điều chỉnh giảm trên 620 tỷ đồng của 42 dự án và bổ sung tương ứng cho 14 dự án. Đối với kế hoạch vốn năm 2020, điều chỉnh giảm trên 2.350 tỷ đồng của 78 dự án và các khoản chi khác, tăng tương ứng cho 112 dự án và các khoản chi khác.

Đồng thời, thông qua phương án phân bổ chi tiết phần vốn ngân sách thành phố bố trí thực hiện cho 42 danh mục đồ án, dự án quy hoạch với số vốn 15,3 tỷ đồng; cho phép thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt như đang áp dụng với giải ngân vốn chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán các dự án hoàn thành đối với các đồ án, dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định, có nhu cầu triển khai thực hiện và giải ngân trong những tháng cuối năm 2020 với số vốn 1,63 tỷ đồng.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội. 6 dự án được phê duyệt bao gồm: Trụ sở làm việc Huyện ủy, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng; xây dựng trụ sở Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín; Cải tạo, nâng cấp trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân; Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm (đoạn từ nút giao phố Bạch Đằng đến bờ ven sông Hồng); Xây dựng tuyến đường 17,5m (mở rộng đường Trần Quốc Vượng) và đường nối từ Trần Quốc Vượng đến ngõ 86 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu T0-5-2 (từ thôn 9 Nại Sa, xã Trung Châu qua thôn Địch Trong, xã Phương Đình ra kênh tiêu T0), huyện Đan Phượng.

Kết luận kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai tích cực, nghiêm túc, sát sao các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các ban quản lý dự án và Ủy ban nhân dân các địa phương bởi một nguyên nhân lớn các dự án chậm triển khai là do cơ chế phối hợp, nhất là trong các quy định về phân cấp, phân quyền. Đồng thời, tiếp tục thường xuyên giao ban, kiểm tra với chính quyền các địa phương, các ban quản lý để rà soát, tháo gỡ vướng mắc.

Các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cũng cần tăng cường công tác giám sát, tránh tình trạng các đơn vị vì đạt chỉ tiêu số lượng mà làm ẩu hoặc phát sinh tiêu cực trong quá trình giải ngân, triển khai dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục