Phóng viên TTXVN tại New York đưa tin, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 11/2 đã thảo luận về việc thực hiện gói thỏa thuận Minsk hướng tới giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine, theo đề nghị của Nga. Tại cuộc họp, Việt Nam khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Báo cáo tại phiên thảo luận, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo thông tin về diễn biến tình hình miền Đông Ukraine đạt một số tiến triển kể từ khi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27/7/2020, trong đó đáng chú ý là việc giảm thiểu số thường dân bị thương và trao đổi tù nhân.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định tình hình tại khu vực này vẫn mong manh, không có tiến triển trong việc thực thi các thỏa thuận chính trị và an ninh, tiến trình thương lượng gặp bế tắc trong khi tình hình nhân đạo, kinh tế-xã hội có nhiều thách thức.
Phó Tổng Thư ký DiCarlo cũng cho biết Liên hợp quốc đang nỗ lực hỗ trợ giải quyết các vấn đề tiếp cận nhân đạo, kêu gọi đóng góp 168 triệu USD nhằm hỗ trợ nhân đạo cho người dân trong khu vực xung đột, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Liên hợp quốc dành cho người dân Ukraine trong quá trình tìm kiếm hòa bình bền vững.
[Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa OSCE và Hội đồng Bảo an]
Trong khi đó, Đại diện đặc biệt của Chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Trưởng Phái bộ Giám sát đặc biệt OSCE Halit Cevik, bà Heidi Glau đã thông tin về các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp giữa các bên liên quan và tình hình xung đột trong thời gian qua.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc hoan nghênh một số tiến triển tích cực đối với việc triển khai thỏa thuận Minsk trong thời gian gần đây như việc trao trả tù nhân và thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 27/7/2020. Tuy nhiên, Đại sứ nhận định tình hình xung đột vẫn diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và tình hình nhân đạo tại miền Đông Ukraine.
Trong bối cảnh cuộc xung đột bước sang năm thứ 7, việc kéo dài cuộc xung đột sẽ ngày càng gây khó khăn, thách thức xử lý. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành động bạo lực, giao tranh, tránh gây ảnh hưởng đến người dân, tăng cường đối thoại giải quyết thách thức và xây dựng lòng tin nhằm ổn định tình hình vì hòa bình và phát triển ở khu vực. Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan đối thoại và triển khai các thỏa thuận đạt được, hỗ trợ nhân đạo tới người dân.
Nghị định thư Minsk 2014 (Minsk-I) và gói các biện pháp Minsk 2015 (Minsk-II) là các thỏa thuận hướng tới giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine. Đây là lần thứ ba Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận này, tiếp nối các cuộc thảo luận năm 2019, 2020./.