Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến trong ngày 30/6 sẽ bỏ phiếu đối với Nghị quyết Chấm dứt Sứ mệnh Gìn giữ Hòa bình kéo dài một thập kỷ ở Mali, hai tuần sau khi chính quyền quân sự của quốc gia Tây Phi này bất ngờ yêu cầu lực lượng gồm 13.000 binh sỹ của Liên hợp quốc rời đi "không chậm trễ."
Việc chấm dứt hoạt động của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã được lên kế hoạch sau nhiều năm căng thẳng cũng như những hạn chế của Chính phủ Mali, vốn đã cản trở hoạt động gìn giữ hòa bình trên không và trên bộ kể từ khi Mali hợp tác với Tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga vào năm 2021.
[MINUSMA sẽ kết thúc nhiệm vụ hòa bình tại Mali vào ngày 30/6]
Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ dân thường trước cuộc nổi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Một số chuyên gia lo ngại tình hình an ninh có thể trở nên tồi tệ hơn khi MINUSMA rời đi, khiến lực lượng quân đội được trang bị không đầy đủ của Mali cùng với khoảng 1.000 binh sỹ thuộc Wagner phải chiến đấu với các nhóm phiến quân hiện đang kiểm soát các vùng lãnh thổ ở khu vực sa mạc phía Bắc và miền Trung nước này.
Một nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nêu rõ: "Đây là quyết định của Mali và chúng tôi cần tìm ra cách thức ít khủng khiếp nhất để thực hiện nó."
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop hồi đầu tháng này nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng MINUSMA và giới chức Mali hiện đang đứng trước một "cuộc khủng hoảng niềm tin"./.