HĐBA quan ngại về tiến trình hòa bình Trung Đông gặp trở ngại

Nhiều nước thành viên HĐBA quan ngại sâu sắc về tình hình thực hiện Nghị quyết 2334 và việc Israel mở rộng các khu tái định cư, phá hủy nhà cửa của người Palestine tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Quang cảnh khu định cư Do thái Mechola tại Thung lũng Jordan ở Bờ Tây, ngày 21/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh khu định cư Do thái Mechola tại Thung lũng Jordan ở Bờ Tây, ngày 21/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến công khai về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine.

Ông Nickolay Mladenov, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an vẫn diễn biến đáng lo ngại.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong báo cáo cuối cùng trước khi chuyển sang đảm nhiệm vị trí mới là Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Libya, ông Mladenov cho biết Israel tiếp tục triển khai các kế hoạch mở rộng các khu định cư của người Do Thái tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có khoảng 50% các kế hoạch xây mới nằm sâu trong khu Bờ Tây, tại các vị trí trọng yếu đối với một nhà nước Palestine trong tương lai.

Điều phối viên này khẳng định các hoạt động này vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Ông Mladenov cũng cho biết nhà cửa của người Palestine tại Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem, tiếp tục bị phá hủy cũng như tình trạng bạo lực vẫn diễn ra thường xuyên.

Nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thực hiện Nghị quyết 2334 và việc Israel tiếp tục mở rộng các khu tái định cư, phá hủy nhà cửa của người Palestine tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Các nước cũng kêu gọi các bên tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc, chấm dứt các hành động bạo lực, bảo vệ dân thường và quay trở lại đàm phán.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem, không có giá trị pháp lý và vi phạm luật pháp quốc tế.

Đại sứ Phạm Hải Anh cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tiếp diễn thời gian qua, kêu gọi các bên kiềm chế, không có hành động và tuyên bố làm phức tạp tình hình và cản trở đàm phán, đối thoại.

Việt Nam ủng hộ vai trò trung gian của Liên hợp quốc và hoan nghênh các sáng kiến hợp tác quốc tế có thể giúp đạt được một giải pháp công bằng, bền vững và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Đại sứ cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai Nhà nước với Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc.

[Giới chức Israel nêu vấn đề Palestine trở lại đàm phán]

Đây là cuộc họp định kỳ 3 tháng của Hội đồng Bảo an thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết 2334 (2016) của Hội đồng Bảo an về tiến trình hòa bình Trung Đông.

Cùng ngày, Chính phủ Canada thông báo sẽ hỗ trợ 70 triệu USD cho Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tỵ nạn Palestine (UNRWA), vốn đang gặp khó khăn do Mỹ cắt giảm viện trợ,

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada cho biết khoản hỗ trợ trên sẽ được giải ngân trong vòng 3 năm nhằm đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn Palestine dễ bị tổn thương tại 5 khu vực, gồm Bờ Tây, Gaza, Syria, Liban và Jordan.

Số tiền hỗ trợ của Canada sẽ tạo điều kiện cho 500.000 trẻ em tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, hỗ trợ tài chính cho hơn 140 cơ sở y tế cùng các khu tạm trú và hoạt động viện trợ lương thực cho những người tị nạn nghèo khó.

Động thái trên diễn ra sau khi người đứng đầu UNRWA hồi tháng trước cảnh báo cơ quan này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới nay do ngân sách cạn kiệt.

Canada từng ngừng hỗ trợ cho UNRWA trong 4 năm, sau đó chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nối lại các viện trợ cho UNRWA vào năm 2016.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2019, Canada đã hỗ trợ 85 triệu USD cho các hoạt động của UNRWA.

Riêng trong tháng Tư vừa qua, Ottawa đã chi 1,1 triệu USD nhằm giúp cơ quan này triển khai các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA với 300 triệu USD mỗi năm, tương đương gần 1/3 ngân sách hoạt động của cơ quan này. Tuy nhiên, đến năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ngừng viện trở cho UNRWA, một quyết định vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

UNRWA được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1949, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel-Arab sau khi Nhà nước Israel ra đời năm 1948 đã khiến hơn 750.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa và phần lớn chạy sang các nước láng giềng.

UNWRA hỗ trợ cho những người tị nạn Palestine đã đăng ký tại 5 khu vực gồm Jordan, Syria, Lebanon, Bờ Tây và Dải Gaza.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục