HĐBA không ra thông cáo lên án vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq

Quan điểm khác biệt giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc là lý do khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không ra thông cáo lên án vụ việc người biểu tình quá khích tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
HĐBA không ra thông cáo lên án vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq ảnh 1Các tay súng thuộc nhóm phiến quân Hashd al-Shaabi biểu tình bên ngoài sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan điểm khác biệt giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc là lý do khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không ra thông cáo lên án vụ việc người biểu tình quá khích tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq cách đây một tuần.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu với báo giới ngày 6/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Trương Quân nêu rõ mọi hành động của Hội đồng Bảo an nên phản ánh những diễn biến tình hình mới nhất và nhằm giúp ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Ông Trương Quân nhấn mạnh: "Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ an toàn cho các phái bộ nước ngoài theo như luật quốc tế. Hành động quân sự đơn phương của Mỹ đã dẫn tới những thay đổi lớn trong tình hình khu vực."

[Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq]

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cũng nêu rõ: "Trên nguyên tắc, chúng tôi lên án mạnh mẽ mọi cuộc tấn công nhằm vào các đại sứ quán trên thế giới."

Tuy nhiên, ông Nebenzia nhấn mạnh không thể phớt lờ cũng như không thể không đưa vụ không kích (của Mỹ) vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq vào nội dung thông cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các tuyên bố trên của quan chức ngoại giao Nga và Trung Quốc tại Liên hợp quốc được đưa ra sau khi cùng ngày, Mỹ đã chỉ trích hai nước trên cản trở thông cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nhấn mạnh nguyên tắc bất khả xâm phạm các khu lãnh sự, ngoại giao sau khi xảy ra vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq ngày 31/12/2019.

Theo quy định, để ra được những thông cáo chung về một vấn đề, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phải hội đủ sự đồng thuận của 15 nước ủy viên.

Hiện có 27 trong số 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã lên tiếng lên án vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Trước đó, từ ngày 31/12/2019, người biểu tình Iraq đã tràn qua các điểm kiểm tra an ninh ở khu vực thường được bảo vệ nghiêm ngặt mang tên "Vùng Xanh" ở thủ đô Baghdad, tiến vào khu vực Đại sứ quán Mỹ, đòi các lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi nước này.

Đám đông quá khích đã phá cửa xông vào và phóng hỏa tại khu vực tiếp đón, buộc lực lượng bảo vệ khu tổ hợp phải dùng hơi cay để giải tán. Nhiều tài sản đã bị đập phá.

Sau đó, ngày 3/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tiến hành không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq, làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani và một chỉ huy của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq, Abu Muntathar al-Hussaini thiệt mạng.

Các diễn biến mới đã khiến tình hình tại Trung Đông leo thang căng thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục