Với cố nhạc sỹ Phạm Duy, một con người đã để lại dấu ấn trong gần trọn thế kỷ, ông không chỉ để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ cho dân tộc mà chính ông cũng đã trở thành “mạch nguồn sáng tạo” cho những người nghệ sỹ quanh mình.
Nghệ sỹ cả đời rong chơi
Cũng là một người gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong phố cổ ở số 65, Hàng Bồ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến đã sớm biết và ngưỡng mộ tài năng của Phạm Duy. Cầm máy từ lúc 13 tuổi đến nay đã 75 tuổi, ông luôn dõi theo và ghi lại nhiều khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời Phạm Duy.
Trong mỗi bức ảnh của Trịnh Đình Tiến, Phạm Duy hiện lên đầy sống động, vừa bình dị, gần gũi, đời thường vừa lịch lãm, tài hoa của một người con Hà Thành. Trong 62 năm cầm máy, những câu chuyện gắn liền với bao bức ảnh chụp Phạm Duy luôn để lại thật nhiều cảm xúc trong ông.
Năm 1953, khi nhạc sỹ Phạm Duy dẫn Đoàn Gió Nam ra biểu diễn ở Nhà hát lớn, ông tình cờ chụp được khoảnh khắc Phạm Duy ra Tháp Rùa cầu hòa bình và từ giã Hà Nội trước khi vào Nam. Chỉ một năm sau, lời cầu nguyện của Phạm Duy đã trở thành hiện thực, Hà Nội và toàn miền Bắc được giải phóng, hòa bình lập lại.
Nhưng lần từ giã đó lại mở đầu cho một hành trình viễn xứ kéo dài gần nửa đời người, Phạm Duy mới được hội ngộ với “thành phố quê hương mình.”
Mãi tới năm 2000, nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến lại có cơ duyên chớp được giây phút trở về quê mẹ đầy xúc động của Phạm Duy với lời đề từ sâu sắc của chính Phạm Duy lên bức ảnh đặc biệt này: “Không gì đẹp bằng quê hương ta, dân tộc ta.”
Nhớ về ông, nghệ sĩ Trịnh Đình Tiến chia sẻ: “Phạm Duy là một người rong chơi suốt đời, một người du ca suốt đời. Chúng tôi không thể nào sánh kịp với ông. Ông là niềm hãnh diện cho người Việt Nam. Tôi tự hào vì mỗi bức ảnh là một tư liệu quý về cuộc đời ông. Đây là động lực để tôi tiếp tục say mê với nghề nhiếp ảnh!”
“Hãy mang trái tim tôi về với quê mẹ...”
Khi sinh thời, nhạc sỹ Phạm Duy không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhiếp ảnh gia, cho các thi sỹ mà ông còn trở thành “chất liệu” cho biết bao tác phẩm hội họa ra đời.
Đối với họa sỹ Văn Dương Thành, Phạm Duy đã từng là một trong những đề tài sáng tạo nghệ thuật về các bậc thầy hội họa và âm nhạc lớn trong nước cũng như trên thế giới.
Bồi hồi kể lại, nữ họa sỹ người Việt thành danh tại Thụy Điển cho biết, lần đầu gặp Phạm Duy ở Pari, chứng kiến nỗi nhớ thương quê hương qua đôi mắt ngấn lệ của người đàn ông đa tình ấy, bà đã rất khâm phục và xúc động.
Một kỷ niệm sâu sắc mà Văn Dương Thành không bao giờ quên là lúc vẽ cố nhạc sỹ đang chơi bản “Tình ca” vào tháng 9/1993 (thời điểm ông vẫn sống xa xứ), Phạm Duy đã ký tên rồi vẽ hình trái tim mình lên bức chân dung đó và nhắn nhủ “Văn Dương Thành hãy mang trái tim tôi về với quê mẹ cho tôi.”
Không dừng lại ở đó, suốt hơn hai mươi năm qua, nữ họa sỹ đã vẽ khá nhiều chân dung Phạm Duy với mong muốn đưa người nghệ sỹ lãng du này về gần hơn với quê mẹ. Trong đó, nhiều bức đã được giới thiệu tại buổi triển lãm “Ngẫu hứng” của bà vào cuối năm 2012.
“Vì sự tôn kính đối với ông, cảm kích và biết ơn đối với âm nhạc của ông, tôi sẽ ghi dấu ấn của ông trong hội họa của mình, tôn vinh ông và nhắc nhớ đến ông mãi mãi như một người nghệ sỹ vĩ đại của quê hương mình,” họa sĩ Văn Dương Thành xúc động nói.
Khi “người nghệ sỹ hát rong xuyên thế kỷ” đột ngột ra đi, cả giới nghệ sỹ và công chúng yêu nhạc ông đều hụt hẫng, đau buồn. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông sẽ còn tiếp tục sống, sống mãi như những câu thơ: “…Hạt bụi nhỏ hóa thân thành nghệ sĩ/Giai điệu bay đi tiếng hát để cho đời/Thế cũng thỏa giữa địa đàng một kiếp/Quán trọ đời, hồn bác vẫn rong chơi”... (nhà văn Nguyễn Cao Sơn từng viết về Phạm Duy)./.
Minh Hằng (Vietnam+)