"Hãy đến với anh" - 50 năm tiếng hát Quang Thọ: Người trí thức hát

Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ không phải cái tên xa lạ với nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt Nam. Nhưng cái mốc 50 năm sự nghiệp của ông vẫn khiến đồng nghiệp hậu bối và công chúng không khỏi kính trọng.
Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

1. Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ không phải cái tên xa lạ với nhiều thế hệ người nghe nhạc ở Việt Nam. Nhưng cái mốc 50 năm sự nghiệp của ông vẫn khiến đồng nghiệp hậu bối cũng như công chúng không khỏi kính trọng.

Người viết hỏi ca sỹ Tùng Dương điều gì khiến anh ngưỡng mộ nhất ở thầy mình, Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ. “50 năm sự nghiệp ca hát của thầy không chỉ là điều tôi ngưỡng mộ mà còn là mơ ước của bất cứ ca sĩ nào,” nam ca sỹ trả lời.

Quả thực, để gắn bó với nghệ thuật trong nửa thế kỷ thậm chí giữ được phong độ không hề sút giảm trong suốt quãng thời gian đó là điều mà không phải ai cũng làm được. Nhưng dường như với Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, có gì đó như là cái lẽ tất nhiên. Cái lẽ của sự cống hiến cho đời như một nghĩa vụ thiêng liêng.

Nửa thế kỷ, nghệ sỹ Quang Thọ đã mang tiếng hát của mình đi tới mọi miền đất nước, thậm chí bay xa tới những quốc gia khắp năm châu. Dường như không nơi đâu ông chưa từng hát. Xuất thân từ một người thợ lò, chính trong môi trường các mỏ than ở Quảng Ninh, giọng hát của Quang Thọ đã được phát hiện. Rồi khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, ông chưa bao giờ ngần ngại với những buổi biểu diễn đặc biệt nơi công trường lao động hay chiến trường ác liệt, giữa những người nông dân chân chất hay trên sân khấu thánh đường nhà hát.

"Tôi quan niệm người nghệ sĩ là người cống hiến cái đẹp cho đời. Đừng nề hà giọng hát cất lên ở đâu vì đó có là nơi đặc biệt đến thế nào, nếu anh hát bằng trái tim, anh sẽ truyền cái đẹp đến người nghe.” – Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ chia sẻ.

Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ trong buổi họp báo giới thiệu đêm nhạc 50 ca hát 'Hãy đến với anh' mới đây tại Hà Nội. (Ảnh: VietArt)

2. “Người trí thức hát” là danh hiệu một khán giả cùng thế hệ nghệ sỹ Quang Thọ đặt cho ông. Người viết tình cờ được nghe câu chuyện bên bàn cà phê của nhóm khán giả “hưu trí” khi họ thông tin về liveshow của Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ sắp diễn ra vào ngày 11/11 này.

“Ông ấy là một trong những giọng ca gắn bó với thế hệ chúng tôi. Nhưng điều khiến chúng tôi thích giọng hát Quang Thọ chính là cái chất trí thức trong giọng hát và phong cách. Trí thức hay là học thức, chữ ‘học’ ở đây không chỉ là chuyện học hành bài bản, mà ở đây là cái đẹp nghiêm túc của nghệ thuật mà thế hệ ca sỹ sau này ít ai có được.”

Cho tới nay, làng nhạc Việt vẫn chưa thể có một giọng baritone hào sảng và nội lực như Quang Thọ. Rất nhiều tác phẩm thanh nhạc kinh điển của Việt Nam đã ra đời và dường như “đo ni đóng giầy” cho giọng hát Quang Thọ. Đó là chùm ca khúc về người thợ lò của nhạc sĩ Hoàng Vân, là "Hướng về Hà Nội" của nhạc sỹ Hoàng Dương, "Tình ca" của nhạc sỹ Hoàng Việt, "Lá đỏ" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp và đặc biệt là "Trường ca Sông Lô" của nhạc sỹ Văn Cao.

Để hát những ca khúc đó không chỉ là kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo hay cảm xúc cao độ mà còn là bề dày tư duy nghệ thuật của người nghệ sỹ.

Ở tuổi 70 mươi tiếng hát của Quang Thọ vẫn hào sảng, đầy nội lực... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

3. Điều khá đặc biệt trong sự nghiệp giảng dạy của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, đó là ông có những người học trò với xuất phát điểm tưởng chừng không hề phù hợp với con đường ca hát hay dòng nhạc chính thống nhưng rồi sau này họ đều trở thành những nghệ sỹ thành công.

Có thể kể đến trường hợp của Tùng Dương, cậu học trò gầy gò và có vẻ thiếu sức hút nhất hồi đó trong lớp thầy Quang Thọ. Hay Khánh Linh, người từng thừa nhận rằng nếu không có sự dìu dắt của “chú” Quang Thọ, có thể sự nghiệp ca hát của cô không biết sẽ thế nào. Hay với trường hợp của Đăng Dương, ban đầu anh theo học đàn bầu nhưng vì thích hát và bị mê hoặc bởi giọng hát cũng như các buổi lên lớp của thầy Quang Thọ, anh đã song song học thêm bộ môn thanh nhạc và giờ đây chúng ta có một giọng tenor xuất sắc.

Đào tạo nên những người học trò như thế, trước hết phải là một người thầy có đôi mắt nhìn người thật tinh tường. Ông thấy được ở bên trong những người học trò như những vỉa quặng thô đó đang ẩn chứa viên ngọc tài năng mà cần có sự mài dũa để đến ngày sẽ toả sáng.

Ông luôn có mặt trong các đêm nhạc của học trò... (Ảnh: VietArt)

Nhưng điều đáng trân trọng hơn là những lớp học sinh của thầy Quang Thọ bước ra với sân khấu biểu diễn hay tiếp tục theo đuổi con đường sư phạm giống ông đều đang cống hiến cho đời sống âm nhạc nước nhà những giá trị tích cực và tươi đẹp. Họ đều lãnh nhận từ thầy mình cái nhiệm vụ theo đuổi thứ nghệ thuật chuẩn mực và sáng tạo. “Thầy Quang Thọ không chỉ dạy chúng tôi nghề mà cả dạy chúng tôi sống. Ông giúp mỗi người học trò của mình hiểu được làm sao để trở thành một người nghệ sĩ chân chính.” Ca sỹ Đăng Dương, một trong những học trò cưng của nghệ sỹ Quang Thọ, chia sẻ.

Nói về đêm diễn kỷ niệm 50 năm sự nghiệp của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, nhạc sỹ Lưu Hà An, người được gửi gắm vai trò giám đốc âm nhạc chương trình khẳng định: “Đây không phải đêm nhạc để người nghệ sỹ phô diễn giọng hát, điều đó là thừa. Điều mà khán giả chờ đợi và chúng tôi muốn làm được là một lần nữa người nghe được thưởng thức giọng hát Quang Thọ cũng như tinh thần nghệ thuật đỉnh cao mà ông đã cống hiến suốt nửa thập kỷ.”

Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ với các học trò và ban tổ chức chương trình 'Hãy đến với anh'... (Ảnh: VietArt)

Lựa chọn khách mời là những người học trò thân yêu và lựa chọn tháng 11 để thực hiện đêm nhạc, dường như thông điệp mà Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ muốn gửi gắm là sự tiếp bước của những thế hệ sau với dòng nhạc chính thống đầy giá trị của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục