Không có nước mắt, sự e dè, lẩn tránh. Không có những lời chòng ghẹo, kỳ thị, hay sự xa lánh. Hàng chục trẻ tự kỷ đắm mình trong không gian âm nhạc và sắc màu với những cảm xúc rất riêng, trong một thế giới đặc biệt nhưng hoàn hảo theo cách của chúng.
Đó là không gian và tinh thần của các lớp học dành cho trẻ tự kỷ tại Trường Sunrise for Arts (SforA), ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc để điều trị chứng tự kỷ ở trẻ em.
Hơn chục năm đồng hành cùng cậu con trai mắc hội chứng tự kỷ của mình, nghệ sỹ viola Nguyệt Thu đủ thấu hiểu những rào cản với những đứa trẻ tự kỷ và những gian khó mà cha mẹ chúng phải đối mặt.
Sau nhiều năm du học, biểu diễn và giành các giải thưởng âm nhạc quốc tế, nghệ sỹ viola Nguyệt Thu đã quyết định rẽ sự nghiệp của mình sang một hướng khác khi cô thành lập trường âm nhạc SforA với quyết tâm dùng âm nhạc để giúp những đứa trẻ tự kỷ có cuộc sống bình thường.
Theo chị Thu, một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ chính là sự khiếm khuyết về âm thanh. Vì vậy, tiếp cận bằng âm nhạc và áp dụng phương pháp giáo dưỡng phù hợp sẽ giúp chữa lành bộ phận tổn thương và lấp đầy những khiếm khuyết đó.
“Âm nhạc giúp các con có được trạng thái cân bằng và thân thiện, từ đó tạo được sự tin tưởng và kết nối giữa giáo viên và trẻ tự kỷ. Thông qua âm nhạc, chúng tôi cảm nhận được tâm trạng của các con, từ đó lựa chọn những thời điểm và phương pháp trị liệu ngôn ngữ và hành vi, giúp trẻ phát triển về nhận thức và nhân cách,” chị Thu chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Không chỉ dừng lại ở trị liệu, chị Thu còn muốn khám phá và phát triển năng khiếu cho những trẻ tự kỷ có tài năng đặc biệt.
Chị Thu nói: “Tôi sử dụng kỹ thuật đo độ nhạy cảm âm thanh để tìm ra những trẻ có khả năng đặc biệt về âm nhạc, từ đó giúp các con có thêm cơ hội hướng nghiệp.”
Người ta mặc định tự kỷ là khiếm khuyết. Tuy nhiên, có những trẻ tự kỷ lại có giác quan cực kỳ nhạy cảm, hoặc năng khiếu đặc biệt. Lịch sử và thế giới hiện đại có không ít những người mắc chứng tự kỷ đã trở thành thiên tài, chị Nguyệt Thu cho biết.
Sau gần 5 năm hoạt động, SforA hiện có ba cơ sở ở Hà Nội để tạo điều kiện thuận lợi cho các con và gia đình đi lại. Ngoài việc cố gắng giữ học phí ở mức hợp lý nhất có thể để chia sẻ gánh nặng tài chính với phụ huynh, SforA còn miễn giảm học phí cho nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Có những trường hợp gia đình rất khó khăn nhưng vẫn mong muốn con được trị liệu theo phương pháp của SforA. Mình nhìn thấy ở con cơ hội hòa nhập tốt, nên cũng cố gắng chia sẻ tài chính với phụ huynh,” chị Thu chia sẻ.
SforA có thể nói là mô hình đầu tiên sử dụng âm nhạc để hỗ trợ điều trị chứng tự kỷ. Trường cũng thiết kế sách đặc thù về cảm thụ âm nhạc, kỹ năng sống, và kiến thức văn hóa cơ bản.
Chị Thu hy vọng những kết quả thực tiễn của SforA trong những năm qua sẽ là một sự kiểm chứng và mô hình này sẽ được nhân rộng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, để giúp đỡ được nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ hơn.
Con tự kỷ vẫn là một sinh linh hoàn thiện của mẹ
Con gái chị Thoa, Hà Nội, ngay từ nhỏ đã có những biểu hiện tự kỷ điển hình. Nhưng sâu thẳm trong trái tim người mẹ, chị tin con gái mình là một đứa trẻ bình thường theo cách của nó.
Chị Thoa nói: “Thông thường trẻ chậm biết đi thì biết nói sớm, hoặc ngược lại. Nhưng con gái tôi chậm cả đi và nói. Cháu cũng có các biểu hiện tự kỷ điển hình khác. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng có thể cháu chậm nói là do dị tật gì đó. Tôi cho cháu đi khám tai mũi họng. Bác sỹ cho làm thử nghiệm và kết luận con bị tự kỷ. Lúc đó, đầu óc tôi trống rỗng, không bất ngờ cũng không buồn khổ. Có lẽ đó là phản ứng bản năng của một người mẹ rằng dù con như thế nào cũng vẫn là đứa con hoàn thiện của mình.”
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Hà Nội, mẹ của một bé mắc hội chứng tự kỷ, kể: “Đôi khi, nửa đêm cháu chạy vòng quanh, la hét, khiến bố mẹ cũng phải chạy vòng quanh theo con.”
Tuy nhiên, là người có chuyên môn về tâm lý học, và là một người mẹ, chị Vân Anh biết mình sẽ luôn đồng hành cùng con và cả chứng bệnh của con. Chị chú ý tìm điểm mạnh và điểm đáng yêu của con để giúp con phát triển bình thường.
Với chị Nguyệt Thu, con luôn là một món quà hoàn hảo mà tạo hóa ban tặng dù là trong cuộc chiến trị liệu trường kỳ hay những ngày tháng ngọt ngào nhìn con hòa nhập với thế giới.
“Hiện tại, con đạt được mức mà chính mình cũng bất ngờ. Con khá hoàn thiện về biểu hiện cảm xúc, hành vi, và nhân cách,” chị Thu tự hào nói về con mình.
“Nhiều khi nhìn con, nghĩ về chặng đường đã qua và hành trình phía trước, mình có cảm giác như con là một thiên sứ, giúp mình thấy rõ hơn mục đích sống của chính đời mình. Đó là hành trình đồng hành cùng các con tự kỷ, giúp chúng trở thành niềm tự hào trọn vẹn của cha mẹ. Đó là hành trình truyền cảm hứng, niềm tin và hy vọng cho những cha mẹ có con tự kỷ,” chị Thu nói.
Cha mẹ chuyển hóa mình để đồng hành cùng con
Theo chuyên gia Hoàng Dương Bình, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tham vấn Tâm lý Hoàng Nhân, cha mẹ có con tự kỷ, muốn giúp con, trước hết cần chuyển hóa chính mình. Họ cần tạo ra một bầu không khí, môi trường thân thiện và hài hòa, góp phần giúp trẻ tự kỷ cân bằng trong cảm xúc và tâm trí.
Ông Bình lý giải thông thường, giữa con cái và cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, có mối liên hệ rất mật thiết và nhạy cảm về mặt ý thức và cảm xúc. Vì vậy, tâm sinh lý của người mẹ có tác động một cách mạnh mẽ và tinh tế lên con.
"Có câu “Từ bi có tính trị liệu.” “Một người mẹ có sự nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu sẽ giúp con có trạng thái tâm lý cân bằng và bình an. Ngược lại, người mẹ tham vọng, bồn chồn sẽ tỏa ra năng lượng tương ứng, khiến đứa trẻ lo lắng, căng thẳng, thậm chí là sợ hãi,” ông Bình cho biết thêm.
Chuyên gia Hoàng Dương Bình là một trong những người tiên phong ứng dụng thiền định vào trị liệu tâm lý-tâm thần. Theo đó, với hội chứng tự kỷ, đối tượng được điều trị chính là cha mẹ, chứ không phải trẻ.
“Nhiều người cho là vô lý. Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy những kết quả đáng khích lệ sau mười năm hoạt động,” ông Bình nói.
“Tôi không khẳng định chỉ riêng thiền chữa khỏi hẳn hội chứng tự kỷ cho con. Sự tiến triển của trẻ có thể là kết quả của một quá trình kết hợp các phương pháp trị liệu khác nhau, trong đó, tôi tin là có đóng góp không nhỏ của yếu tố môi trường sống và năng lượng tích cực cha mẹ tạo ra cho con.”
“Hiện tôi vẫn đang tiếp tục giới thiệu và hướng dẫn các kỹ thuật thiền định cho hàng chục gia đình có con tự kỷ, những người tin rằng, họ hơn ai hết có thể tạo ra sự khác biệt cho con,” ông Bình nói với phóng viên TTXVN bên lề hội thảo “Thiền cân bằng tâm lý dành cho cha mẹ có con tự kỷ” tại Hà Nội.
Cũng tại hội thảo này, tiến sỹ triết học Trương Thị Như Quỳnh, chủ nhiệm câu lạc bộ Về Với Tự Nhiên (the Natural Life) cho biết, thiền được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều bộ môn và phương pháp trị liệu.
Có những căn bệnh đáp ứng rất tốt với biện pháp trị liệu tĩnh lặng bằng cách thiền. Thiền ngộ giúp cân bằng thân tâm, vì vậy chắc chắn có tác động tích cực tới chất lượng cuộc sống của những gia đình có con tự kỷ, tiến sỹ Quỳnh khẳng định.
Sau một thời gian chị Thoa thực hành thiền tại câu lạc bộ Hoàng Nhân, kết hợp giáo viên can thiệp đặc biệt cho con ở trường và ở nhà, con gái chị đã có những tiến bộ trông thấy.
“Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng liên quan tới bệnh của con giảm đi nhiều. Bản thân tôi cảm nhận cơ thể mình có sự thay đổi sâu sắc từ tâm tính đến hành vi và cách ứng xử với con,” chị Thoa vui vẻ chia sẻ.
Gặp con gái chị lúc này, không ai nghĩ bé gái vui vẻ, tươi cười, thân thiện với người lạ bây giờ từng là cô bé tự kỷ trầm cảm điển hình.
“Cháu bắt đầu có các biểu hiện cảm xúc tự nhiên. Cháu thích vẽ. Những bức tranh đơn giản và thể hiện cảm xúc thông thường, như khuôn mặt buồn vui hay khóc cười. Cháu xem phim và hỏi mẹ vì sao cô ấy lại khóc.”
Đôi khi, cháu vẫn còn những lúc trầm lặng. Nhưng chị Thoa cho rằng đó là vì cháu sống nội tâm, hoặc có thể là chút còn lại của bệnh tự kỷ. Nhưng chị muốn nghĩ đó là tính cách của con hơn.
Giống như chị Thoa, chị Nguyễn Thị Vân Anh cũng tìm đến thiền định để giúp con trai mình, sau khi, cực chẳng đã, có lúc chị từng tìm đến thầy cúng.
Chị Vân Anh cho biết có những lúc khó tránh khỏi sự nản chí, ngờ vực, cảm giác sợ hãi và lo lắng về tương lai của con với câu hỏi “Con sẽ thế nào khi rời xa vòng tay cha mẹ?”
“Thiền định giúp tôi giảm bớt được trạng thái hoang mang và ngờ vực. Từ đó, tôi có cái nhìn bao dung hơn về thế giới đặc biệt của con và có sự kết nối tốt hơn với con.”
Gần đây, vợ chồng chị Vân Anh không còn phải bật dậy và chạy vòng quanh nhà giữa đêm theo con nữa. Cháu ngủ ngon giấc và sinh hoạt điều độ hơn hẳn.
Vợ chồng chị đã thành lập một trung tâm hỗ trợ cho các cháu mắc hội chứng tự kỷ, nhằm chia sẻ kiến thức chuyên môn, kỹ năng, và những kinh nghiệm thực tiễn của chính họ từ quá trình điều trị cho con trai.
Với nghệ sỹ Nguyệt Thu cũng vậy. Đã qua rồi những ngày kỳ vọng và thất vọng. Niềm tin và tình yêu đã cho chị đủ quyết tâm và kiên nhẫn đồng hành cùng con suốt chặng đường hơn một thập kỷ qua.
Cậu bé ngày nào bốn tuổi chưa biết nói, giờ đã trở thành chàng trai 17 tuổi cao lớn, khôi ngô, có thể nói được ba ngoại ngữ tiếng Anh, Hà Lan, và Bồ Đào Nha; có thể nói về một giai đoạn lịch sử của đất nước rất mạch lạc, và đặc biệt là rất thương mẹ.
“Nhiều khi mình nghĩ giá như cách đây hơn chục năm, mình có được hiểu biết và nhận thức như ngày hôm nay, thì chắc hẳn con mình sẽ phát triển hoàn toàn bình thường, thậm chí là thành một người giỏi giang,” chị Nguyệt Thu chia sẻ.
Một chút nuối tiếc cho con trai, song chị Nguyệt Thu hy vọng bằng tâm huyết của mình, SforA sẽ mang lại thêm cơ hội cho các con bị tự kỷ khác. Chị cũng hướng tới thành lập một mô hình trị liệu dành cho cha mẹ trẻ tự kỷ.
“Hơn ai hết, mình hiểu vai trò của người mẹ là điều không thể thiếu trên bước đường đồng hành cùng con, dù là một đứa trẻ thông minh hay mắc hội chứng tự kỷ, dù là trở thành một thiên tài hay chỉ đơn giản là thành một người bình thường,” chị Thu chia sẻ./.