Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU) đã khiến không chỉ các chính trị gia hay chuyên gia kinh tế bị sốc, mà còn gây ra tâm lý lo ngại trong giới doanh nghiệp lớn của Mỹ đang hoạt động ở Xứ sở Sương mù.
Những tên tuổi lớn trong giới doanh nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ chuỗi cửa hàng quần áo cho đến nhà sản xuất ô tô, từ lâu đã đổ xô đến nước Anh do bị thu hút bởi những lợi thế về thuế, một ngôn ngữ chung cũng như khả năng tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) và hàng trăm triệu người tiêu dùng tại đây. Do đó, cũng là điều dễ hiểu khi những công ty này đã lên tiếng ủng hộ Vương quốc Anh ở lại EU trước thềm cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23/6.
Trước Brexit (việc Anh rời EU) thì Vương quốc Anh là “bến đỗ” chính của hàng hóa Mỹ trong EU, với kim ngạch xuất khẩu lên đến 56.100 tỷ USD trong năm 2015. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, nhất là các ngân hàng, cũng hiện diện mạnh mẽ tại đảo quốc này.
Chỉ tính riêng tại thủ đô London, những “ông lớn” Phố Wall đã cung cấp việc làm cho hàng chục ngàn lao động Anh. Thomas J. Donohue, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ, cho hay nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào nước Anh có giá trị lên đến 500 tỷ USD, rất nhiều trong số đó không chỉ nhắm vào thị trường của nước này mà còn cả châu Âu.
Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt thế nào với sự thật là người Anh đã lựa chọn rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu và liệu họ có rút vốn ra khỏi thị trường Anh hay không. Nhiều doanh nghiệp lớn cho hay họ muốn chờ xem London sẽ thiết lập mối quan hệ thế nào với các đối tác EU “hậu” Brexit, trong đó nhiều ý kiến hy vọng rằng với vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của châu Âu, Chính phủ nước Anh sẽ có thể giành quyền tiếp cận vào thị trường chung châu Âu.
Klaus-Peter Martin, người phát ngôn của hãng sản xuất ôtô General Motors lớn nhất nước Mỹ, nhận định những quy định liên quan đến dòng chảy xuyên biên giới của hàng hóa và người lao động thời kỷ “hậu” Brexit là vô cùng quan trọng đối với giới doanh nghiệp.
Ngoài ra, những quan ngại về đà mất giá kéo dài của đồng bảng Anh so với đồng USD và đồng euro, khi thị trường phản ứng với kết quả Brexit, từ đó khiến doanh thu tại nước Anh sụt giảm, cũng buộc các công ty của Mỹ phải xem xét lại các chiến lược kinh doanh của họ./.