Hậu thảm kịch Formosa: Khi nỗi đau chồng chất lên nỗi đau

Tất cả họ đều đến Formosa với một niềm hy vọng chung để thoát đói nghèo. Nhưng rồi thảm kịch đêm 25 rạng sáng ngày 26/3 bất ngờ đổ ập xuống khiến không ai trong số họ còn có thể trở về…
Nỗi đau mất chồng của chị Nguyễn Thị Thương (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

13 con người, 13 số phận, 13 câu chuyện đời khác nhau. Nhưng tất cả họ đều đến Formosa với một niềm hy vọng chung để thoát đói nghèo. Nhưng rồi thảm kịch đêm 25 rạng sáng ngày 26/3 bất ngờ đổ ập xuống khiến không ai trong số này còn có thể trở về…

Những người ở lại, trong khi chưa kịp hết bàng hoàng với nỗi đau thì đã phải đối mặt với cái đói, cái nghèo và sự thất học mịt mù phía trước.

Bài 1: Những hồi chuông vô hồn bất tận

7 giờ tối. Điện thoại của Thương réo dài. Người vợ trẻ vừa ôm đứa con gần 2 tuổi đang ngằn ngặt khóc, vừa vội vã ấn nghe cuộc gọi của chồng từ công trường khu công nghiệp Formosa. Qua di động, anh hỏi han chuyện nhà cửa, con cái và không quên dặn vợ: “Em cố gắng, chừng tháng nữa anh gửi tiền về mua sữa cho con.”

Đau đáu đợi người thân trở về…(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chỉ ít giờ sau cuộc gọi ấy, giàn giáo khu vực thi công giếng chìm tại cầu cảng số 7 của công ty Samsung bất ngờ đổ sập. Cùng với 12 công nhân khác, chồng Thương, đã vĩnh viễn nằm xuống, để lại những lời hứa không bao giờ trở thành sự thật.

Những cuộc điện thoại cuối cùng từ Formosa

Đã 4 ngày kể từ thảm họa tại Formosa nhưng chị Nguyễn Thị Thương (xã Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn không thể tin được vào những gì đã xảy ra. Mắt đỏ hằn, chị ôm chặt đứa con út vào lòng mình, nhìn đờ đẫn hướng ra đoạn đường đang chạy hút vào cánh rừng xa mà khóc.

Ngày xảy ra thảm kịch, chồng chị, anh Nguyễn Văn Lịch vẫn còn gọi điện về hẹn đến đêm khi tan ca sẽ nói chuyện lâu hơn.

“Chẳng bao giờ em dám nghĩ cuộc gọi bữa nớ lại là lần cuối cùng hai vợ chồng em được nói chuyện với nhau,” chị nức nở.

Mế Hiều, mẹ công nhân xấu số Nguyễn Văn Bảo vẫn chưa thể tin con mình đã mất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tới 8 giờ 39 phút tối cùng ngày, tin giàn giáo sập được thông báo. Cuống cuồng, chị bấm lại số chồng, nhưng phía đầu dây chỉ trả về những hồi chuông vô hồn bất tận. Hoảng loạn, Thương tiếp tục gọi với hy vọng mong manh rằng anh chỉ bị thương và đang được giải cứu. Gọi cho tới khi tổng đài buộc thông báo: “Thuê bao quý khách vừa gọi…” thì người vợ 27 tuổi chính thức gục ngã.

Giờ ngồi trước mặt chúng tôi, Thương đã gầy quắt lại, đôi mắt ầng ậng nước. Cô bảo, mấy ngày qua, cô chẳng thể ăn uống được gì. Mỗi khi đêm về, cứ nhắm mắt cô lại hình dung lời dặn dò cuối cùng của anh: “Ba mẹ con cố gắng, chỉ chừng hơn tháng nữa anh sẽ gửi tiền về…”

Cùng chung hoàn cảnh là chị Đinh Thị Phương, vợ của công nhân Nguyễn Văn Dũng. Ngay trước khi sự cố xảy ra, anh Dũng cũng gọi điện về cho chị, hỏi: 4 mẹ con đã ăn cơm chưa, ngày hôm nay làm những gì?

“Qua điện thoại, giọng chồng em rất vui. Anh liên tục bảo ở công trường công việc vẫn đang chạy tốt và còn dặn cả nhà phải giữ gìn sức khỏe,” chị Phương nghèn nghẹn kể.

Ngay đối diện nhà chị Phương, gia đình công nhân Nguyễn Văn Bảo cũng đang lầm lũi dỡ rạp đám ma. Mẹ anh, mế Hoàng Thị Hiều ngồi bần thần trong bóng chiều trân trân nhìn đám người tháo cột kèo. Mế Hiều bảo, mế nhớ đứa con trai út hiền lành của mế. Mấy hôm rồi, mế không thể nào ngủ được vì lúc nào mế cũng nhớ đến việc trước lúc mất, Bảo vẫn còn gọi về nhờ mẹ mua găng tay gửi vào để làm việc. Những nếp nhăn trên mặt mế dồn cả lại, mế khóc tu tu như con trẻ mà không sao nín được.

Đau xót nhất, cả 3 công nhân tử vong của xã nghèo Lâm Trạch đều chỉ mới vào Formosa làm việc chưa đầy một tháng. Riêng các anh Nguyễn Văn Bảo và Nguyễn Văn Lịch chỉ mới đi được 4 ngày thì đã gặp nạn. Cuộc gọi tối ngày 25/3 cũng chính là những lời cuối cùng các anh gửi lại cho gia đình trước khi nằm xuống.

Cũng chưa từng được hưởng tháng lương đầu tiên tại Formosa, nạn nhân Nguyễn Văn Chiến (thôn Đại Nam 3, Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đã ra đi ở độ tuổi còn rất trẻ. Sinh năm 1987, Chiến vào làm công nhân tại Vũng Áng tròn 22 ngày. Chàng thanh niên trẻ tuổi ấy hy vọng đồng lương Formosa sẽ giúp mế anh chạy chữa được căn bệnh Parkinson quái ác.

Ông Nguyễn Văn Hữu, ba của Chiến cay đắng kể lại: “Ngày trước, cháu đi phụ công trình bên Lào, nhưng mế nó đau ốm luôn nên cháu đã quyết định xin vào Vũng Áng làm để vừa gần nhà, lại có thêm thu nhập cho mẹ chữa bệnh.”

Ông Hữu vẫn còn nhớ như in, trước khi gặp nạn, Chiến có về thăm gia đình. Anh còn hào hứng bảo: “Mế cứ yên tâm, con sắp có lương. Lúc mô lấy tiền con sẽ gửi về cho mế chữa bệnh…”

Vậy mà chỉ một ngày sau, chàng trai ấy mãi mãi không trở về để thực hiện nốt lời hứa còn đang dang dở. Tất cả những gì còn lại của anh chỉ là một mảnh chứng minh thư nhàu nát và quyển sổ tay ghi chép cũ sờn.

Mế Hiều, từ ngày ấy ngẩn ngơ không nói nổi. Thân hình vốn dĩ đã gày gò nay còn quắt queo hơn. Người mế luôn run bần bật. Và đôi mắt cũng thất thần như đang nhìn vào một khoảng không vô định.

Trời Quảng Bình bỗng đổ mưa…

Theo báo cáo chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh: Vào lúc 19h50 ngày 25/3/2015, tại khu vực thi công giếng chìm (cầu cảng số 7) của Công ty Samsung (nhà thầu thi công của Công ty Formosa) đã xẩy ra sự cố sập giàn giáo thi công. Sự cố đã khiến cho 13 người tử vong và 28 người khác bị thương. Quảng Bình là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất khi có tới 7/13 nạn nhân tử vong, tập trung chủ yếu ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch.

Bài 2: Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ

Trong số 13 công nhân thiệt mạng sau sự cố sập giàn giáo ở Formosa có tới 3 người cùng trú tại xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong cùng một ngày, xóm nhỏ bỗng cùng khoác áo đại tang với những nỗi đau không dứt.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục