Hầu hết thị trường chứng khoán tại châu Á đi lên trong phiên 13/4, dù các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu giảm điểm sau khi số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng vọt.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,93%, lên 26.843,49 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,26%, lên 21.374,37 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,86%, lên 2.716,49 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,82%, xuống 3.186,82 điểm.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Ba tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981.
Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng Ba là báo cáo đầu tiên có tính đến một cách đầy đủ "cú sốc" do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh trên toàn cầu.
Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã sẵn sàng đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất nhằm giảm sức ép lạm phát, nhưng những tác động sẽ không đến ngay lập tức.
[Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên 13/4 sau báo cáo lạm phát mới nhất]
Theo Okasan Online Securities, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản phục hồi sau khi giảm hơn 600 điểm kể từ đầu tuần. Các cổ phiếu tăng trưởng được mua vào trở lại, khi các nhà giao dịch bớt thận trọng trước khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức.
Thị trường Hong Kong chốt phiên tăng nhẹ, trong khi các thị trường Seoul, Taipei và Sydney cũng lên điểm.
Nhà phân tích Matthew Simpson tại City Index cho rằng lạm phát tại Mỹ cao đã trở thành điều quen thuộc và điều được quan tâm hiện nay là tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu.
Tại Thượng Hải, nơi dịch bùng phát đã dẫn tới các biện pháp phong tỏa được thực hiện và hoạt động thương mại bị cản trở, thị trường chốt phiên giảm điểm.
Số liệu chính thức cho thấy hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Ba lần đầu tiên giảm trong hai năm, do dịch bùng phát và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, chỉ số VN-Index tăng 1,51% lên 1.477,2 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,53% lên 427,45 điểm./.