Hầu hết người Việt thiếu hiểu biết thế nào là "quấy rối tình dục"

Tại Công ty TNHH da giày Đỉnh Vàng, người lao động phải ký cam kết không có các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc...

Lần đầu tiên quấy rối tình dục được nhắc đến trong hệ thống văn bản pháp luật chính là trong Luật Lao động sửa đổi năm 2012, thế nhưng, để đưa vấn đề này vào nội quy của các doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến người lao động không đơn giản và một sớm một chiều.

Điều căn bản nhất là cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn để định nghĩa một cách rõ ràng: Thế nào là hành vi quấy rối tình dục? 

Chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục

Việt Nam chưa có số liệu thống kê và các nghiên cứu chuyên đề về vấn đề quấy rối tình dục. Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy, quấy rối tình dục tại nơi làm việc không còn là vấn đề lạ lẫm.

Trước bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến quấy rối tình dục, việc thiếu các định nghĩa về vấn đề này đã dẫn đến tình trạng các cơ quan tư pháp khó có thể buộc tội danh quấy rối tình dục với những kẻ phạm tội.

Chỉ đối với những hành vi quấy rối nghiêm trọng như cưỡng hiếp, hiếp dâm mới bị xử lý theo Luật Hình sự.

Bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới thuộc văn phòng ILO tại Việt Nam, cho rằng, vì thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng nên không thể khuyến khích các nạn nhân báo cáo hoặc tố cáo, khiến nhiều hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa bị xử lý.

“Nhiều người thường nhầm lẫn rằng các hành vi cưỡng hiếp, hiếp dâm mới là quấy rối tình dục, trong khi đây là hình thức quấy rối nghiêm trọng nhất. Theo các định nghĩa quốc tế, quấy rối tình dục còn gồm cả các hành vi mang bản chất tình dục bằng lời nói và không bằng lời nói,” bà Nguyễn Kim Lan nói.

Các hành vi tán tỉnh, trêu ghẹo bằng các từ ngữ nhạy cảm về tình dục, cho xem hình ảnh gợi dục, ôm hôn, quàng vai, áp sát… làm cho người khác cảm thấy khó chịu, xấu hổ cũng chính là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng nữ doanh nhân VCCI nhấn mạnh: “Trong thực tế, có nhiều hành vi thân mật mà nhiều người vẫn coi là bình thường nhưng nếu người tiếp nhận không đồng tình, đã cảnh cáo nhiều lần nhưng hành vi đó vẫn tái diễn thì đó chính là quấy rối.”

Sa thải “yêu râu xanh”

Mặc dù pháp luật chưa quy định cụ thể về hình phạt đối với những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc vẫn có thể bị doanh nghiệp sa thải vì vi phạm nội quy của công ty.

Hầu hết người Việt thiếu hiểu biết thế nào là "quấy rối tình dục" ảnh 1Doanh nghiệp cần những định nghĩa chặt chẽ và cụ thể về hành vi quấy rối tình dục. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đại diện Công ty dệt may Đông Xuân cho biết, Công ty đã tiến hành xây dựng lại nội quy làm việc và thỏa ước lao động tập thể sao cho phù hợp với Luật lao động mới vào tháng 5/2013.

Trong đó, vấn đề nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được đưa vào với những quy định bắt buộc phải tuân thủ.

Không chỉ đưa các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị nghiêm cấm và hình thức xử phạt từ giáng cấp, chuyển vị trí làm đến sa thải vào nội quy công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn da giày Đỉnh Vàng còn thành lập Ban chỉ đạo phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc với trưởng ban là giám đốc công ty.

Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn da giày Đỉnh Vàng Đỗ Thị Gái cho biết: “Người lao động khi tham gia vào công ty sẽ phải ký một bản cam kết không thực hiện các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nếu nhắc nhở nhiều lần vẫn tái phạm thì sẽ bị sa thải.”

Ngay khi các hành vi quấy rối tình dục được các doanh nghiệp quy định cụ thể tại nội quy công ty, việc tuyên truyền, cảnh báo cũng đã tiến hành rộng rãi tại các công ty này.

“Bên cạnh tuyên truyền cho các cán bộ chủ chốt, cán bộ công đoàn, chúng tôi còn bí mật mời những cá nhân đã bị phản ánh có dấu hiệu quấy rối người khác tại nơi làm việc đến dự coi như một hình thức cảnh cáo của công ty, để người lao động biết được rằng trước đây có những hành vi được coi là bình thường nhưng giờ doanh nghiệp và luật đã cấm,” đại diện công ty Dệt may Đông Xuân chia sẻ.

Chính phủ đang xây dựng văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành các điều luật về quấy rối tình dục. Trong khi chờ đợi, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các quy định riêng của doanh nghiệp dựa trên cơ sở Luật lao động sửa đổi để môi trường làm việc tại doanh nghiệp bằng những quy định của riêng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nhấn mạnh, đối với những doanh nghiệp thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài, việc đảm bảo thực hiện phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp lại càng quan trọng hơn./.

Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã có 4 điều khoản quy định liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc:

Điều 8: "Nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc"

Điều 37: "Người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

Điều 182: “Người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ tố cáo nếu người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục”

Điều 183: “Nghiêm cấm người sử dụng lao động giúp việc gia đình quấy rối tình dục với lao động là người giúp việc gia đình”./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục