Hầu hết người Israel ủng hộ đàm phán hòa bình với Palestine

Theo kết quả thăm dò dư luận được công bố ngày 2/2, hầu hết người dân nước này ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán giữa Israel và Chính quyền Palestine (PA).
Hiện trường vụ tấn công giữa người Palestine và Israel tại Bờ Tây. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kết quả thăm dò dư luận được Viện nghiên cứu Dân chủ Israel (IDI) và Đại học Tel Aviv công bố ngày 2/2, hầu hết người dân nước này ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán giữa Israel và Chính quyền Palestine (PA).

Cuộc khảo sát cho thấy có tới 61,8% số người được hỏi ủng hộ đàm phán hòa bình giữa Israel và PA, trong khi 32,8% phản đối.

Cộng đồng người ArAB có xu hướng ủng hộ đàm phán hơn so với người Do Thái, với tỶ lệ tương ứng là 59,6% so với 26,3%.

Cũng trong cuộc thăm dò trên, 69,8% ủng hộ và 26,8% phản đối một cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống PA Mahmoud Abbas.

Mặc dù ủng hộ hòa đàm, song hầu hết người Israel (67,7%) không tin tưởng các cuộc đàm phán sẽ đem lại hòa bình trong những năm tới, trong khi chưa đầy 1/3 (29,1%) thể hiện sự tin tưởng đối với tiến trình này.

Hơn 1/2 (52,4%) không đồng ý duy trì tình trạng hiện tại với Palestine, trong khi 41,5% cho rằng xung đột có thể được duy trì thêm nhiều năm nữa mà không gây tổn hại tới an ninh và sự tồn tại của Israel.

Hiện người Israel Do Thái vẫn đang bất đồng về việc có nên thôn tính tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng hay không, với 45% ủng hộ và 44,8% phản đối.

Theo truyền thông Israel ngày 2/2, trong nỗ lực mới nhằm hòa giải giữa hai phong trào đối địch của Palestine, một phái đoàn của Fatah sẽ đến thủ đô Doha của Qatar vào cuối tuần này để gặp thủ lĩnh chính trị của Hamas Khaled Meshal.

Một quan chức Fatah khẳng định hai bên hiểu rằng họ phải nhất trí về một sáng kiến hòa giải mới vì "chiến lược của Fatah với Israel đã thất bại và Hamas cũng không có được câu trả lời về chiến lược riêng của phong trào này đối với người Palestine tại Gaza."

Theo quan chức này, trọng tâm của sáng kiến mới là việc đề xuất một chính phủ thống nhất dân tộc thay vì một chính phủ kỹ trị, nhằm tạo cơ sở cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong vòng 6 tháng sau đó.

Trong khi đó một quan chức cấp cao Hamas, ông Ahmed Bahar thông báo rằng sáng kiến mới cũng sẽ bao gồm các đại diện của Hamas, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Thánh chiến Hồi giáo và những phe phái khác để thúc đẩy "một chiến lược Palestine" nhằm hỗ trợ cho tiến tình hòa giải.

Tình hình an ninh căng thẳng và những áp lực nội bộ đã buộc hai bên tiến hành các cuộc đàm phán mới.

Mâu thuẫn của giữa Fatah-Hamas chủ yếu liên quan tới việc kiểm soát biên giới ở Dải Gaza và thu xếp việc làm cho lực lượng cảnh sát ở Gaza và 40.000 viên chức chính quyền Hamas tại đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục