Hầu hết doanh nghiệp Indonesia chỉ đủ sức cầm cự đến cuối tháng Sáu

Hầu hết các thành viên thuộc Hiệp hội giới chủ Indonesia chỉ đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động cho đến hết tháng Sáu, với các công ty lớn có thanh khoản tốt có thể tồn tại thêm 3-4 tháng nữa.
Hầu hết doanh nghiệp Indonesia chỉ đủ sức cầm cự đến cuối tháng Sáu ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 11/5, Apindo, Hiệp hội giới chủ Indonesia, cho biết hầu hết các doanh nghiệp nước này chỉ đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động cho đến cuối tháng Sáu tới do tác động từ các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB).

Theo Phó Chủ tịch Apindo, ông Sutrisno Iwantono, chính phủ cần áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn nhằm nhanh chóng kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ đó cho phép dỡ bỏ PSBB sớm hơn.

Tuần trước, Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch có thể được đẩy lùi trong tháng này.

[Indonesia: Các ngân hàng tái cơ cấu nợ cho gần 4 triệu khách hàng]

Tuy nhiên, ông Sutrisno cho rằng đại dịch sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa vì Indonesia vẫn chưa thực hiện đủ các xét nghiệm và điều này sẽ làm phức tạp các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Theo ông Sutrisno, hầu hết các thành viên Apindo chỉ đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động cho đến hết tháng Sáu, với các công ty lớn có thanh khoản tốt có thể tồn tại thêm 3-4 tháng nữa.

Tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 2,97% trong quý I/2020, mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ qua.

Tiêu dùng hộ gia đình - vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế - chỉ tăng 2,8%, so với mức tăng 4,97% trong quý 4 năm ngoái.

Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể bị đình trệ trong quý 2 trước khi phục hồi trong quý 3 và quý 4.

Thủ đô Jakarta - nơi diễn ra 17% hoạt động kinh tế của Indonesia - đã kéo dài PSBB lần thứ hai tới ngày 22/5. Nhiều khu vực khác, trong đó có các trung tâm sản xuất lớn, cũng áp đặt PSBB.

Ông Sutrisno cho biết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bán lẻ và vận tải bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19 do phụ thuộc vào sự di chuyển của người dân. Tiếp đó là lĩnh vực chế tạo, nhất là các nhà máy có số lượng công nhân lớn.

Tuần trước, nhiều nhà máy trên đảo Java - hòn đảo đông dân nhất thế giới với 135 triệu người, chiếm gần 60% dân số Indonesia - đã phải ngừng hoặc giảm quy mô hoạt động sau khi một số công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Surabaya - thành phố lớn thứ hai của Indonesia - hơn 500 công nhân trong nhà máy của hãng thuốc lá Philip Morris đã buộc phải tự cách ly sau khi hai đồng nghiệp tử vong do căn bệnh này.

Ông Sutrisno hy vọng rằng chính phủ sẽ xem xét phân chia các khu vực sau khi giai đoạn PSBB hiện nay kết thúc để cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Việc mở của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào từng địa điểm. Các doanh nghiệp trong vùng xanh có thể mở cửa lại ngay lập tức, trong khi các cơ sở trong vùng đỏ sẽ phải chờ đợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục