Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do Viện nghiên cứu dư luận IXE thực hiện cho kênh truyền hình RAI Tre của Italy cho thấy, hầu hết số người được hỏi không ủng hộ việc Italy đứng đầu một liên minh quân sự quốc tế can thiệp vào Libya, trong hoàn cảnh tình hình nước này ngày càng xấu đi khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng mở rộng vùng chiếm đóng.
Theo thăm dò, có tới 81% số người được hỏi cho rằng việc can thiệp này là không cần thiết và không đúng đắn, trong khi 14% ủng hộ can thiệp và 5% trả lời không biết.
Cuộc thăm dò dư luận này được thực hiện trong thời điểm một liên minh quân sự quốc tế chống IS đang được nhen nhóm hình thành, với vai trò đứng đầu của Italy và sẽ tiến hành các hoạt động ở Libya ngay khi chính phủ liên hiệp nước này yêu cầu, cùng với một nghị quyết chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo báo chí Italy, liên quân này sẽ gồm từ 3.000-7.000 quân bộ, trong đó Italy đóng góp 2/3, cùng sự tham chiến của không quân và hải quân nước này.
Libya từng là thuộc địa của Italy trong thời gian nửa đầu thế kỷ 20 và hiện vẫn nằm trong khu vực lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của nước này. Tập đoàn năng lượng ENI của Italy vẫn duy trì hoạt động trên nhiều dàn khoan dọc bờ biển Libya trong khi vị trí địa lý gần Italy của Libya là điều kiện lý tưởng để bọn buôn người tổ chức các đoàn thuyền chở người di cư sang châu Âu.
Italy đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nguy cơ Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn tạo điều kiện để IS mở rộng lãnh thổ chiếm đóng, đe dọa châu Âu từ Bắc Phi.
Chính phủ Italy cũng đang chịu những sức ép rất lớn về việc phải làm giảm bớt các áp lực từ phía bên ngoài, do khủng hoảng di cư và nguy cơ khủng bố ngày càng tăng ở nước này.
Những tuyên bố mới đây của các chính trị gia Italy cho thấy ý định ngày càng rõ của chính phủ nước này trong việc đứng đầu liên minh quân sự chống IS, bất chấp một số luồng ý kiến không đồng tình, đòi hỏi sự thận trọng hơn, từ một số đảng phái đối lập.
Trả lời phỏng vấn hai nhật báo La Repubblica và l'Unita ngày 5/3, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano khẳng định Italy sẽ là quốc gia "đứng đầu" trong tiến trình ổn định Libya, bởi "đối với Italy, sự ổn định của Libya là rất quan trọng, không chỉ trong việc chống lại IS, mà còn trong cuộc khủng hoảng di cư, do 90% số người di cư vượt biển Địa Trung Hải sang Italy xuất phát từ các cảng của Libya."
Một số tờ báo Italy đã nói đến nguy cơ Italy bị IS tấn công ngày càng lớn, một khi Libya ngày càng bất ổn, khi chính phủ liên hiệp chưa được thành lập và IS ngày càng hoạt động mạnh hơn tại nước này.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là Quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.
Tình trạng trên đẩy Libya vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Lợi dụng bất ổn đó, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại nước này.
Cuộc điều tra của Viện IXE cũng cho thấy, 74% số người được hỏi cảm thấy lo lắng sẽ còn có thêm các cuộc tấn công khủng bố nữa vào châu Âu, trong khi 22% không tin vào khả năng này. Ngoài ra, 80% người được hỏi không đồng ý tiếp nhận người nhập cư và 18% đồng ý./.