Ngày 1/4, Cơ quan Quản lý môi trường (EEA) của Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo cho biết khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã giảm nhờ các biện pháp hạn chế đi lại để phòng đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, gần như tất cả người dân sống tại các đô thị ở các nước thành viên EU đều đang bị phơi nhiễm với tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong năm 2020, vượt quá mức giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo là có hại cho con người.
Theo EEA, 96% người dân đô thị bị phơi nhiễm với mức độ tập trung bụi mịn (PM2.5) vượt quá mức giới hạn 5 micrograms/m3 trong hướng dẫn của WHO.
Estonia là nước EU duy nhất có mức PM2.5 trong đô thị không vượt ngưỡng khuyến cáo, trong khi Italy và các nước Đông Âu ô nhiễm ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, nếu so sánh với mức giới hạn PM2.5 của EU (15 micrograms/m3) thì mọi chuyện lại khác. Theo kịch bản này, chỉ 1% người dân đô thị phơi nhiễm với ô nhiễm bụi mịn cao hơn mức khuyến cáo.
[Không khí ô nhiễm tại đa số các thành phố trên thế giới]
PM2.5 là khái niệm để chỉ các loại hạt, bụi mịn trong khí thải của xe ôtô hoặc các nhà máy điện sử dụng than đá. Kích cỡ siêu nhỏ cho phép các loại hạt này đi sâu vào trong hệ hô hấp của người, làm gia tăng nguy cơ viêm phế quản, hen suyễn và phổi.
Năm 2019, ô nhiễm bụi mịn được cho là nguyên nhân gây ra 307.000 ca tử vong sớm ở EU. EEA cho biết: "Các biện pháp phong tỏa áp dụng trong năm 2020 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đã giúp giảm hoạt động lưu thông trên đường phố, cũng như hoạt động đi lại bằng đường hàng không và lĩnh vực tàu biển quốc tế, điều này dẫn tới giảm khí thải gây ô nhiễm."
Theo báo cáo của EEA, mức ô nhiễm khí nitrogen dioxide (NO2) đã giảm 70%. Bất chấp thực tế này, 89% dân cư đô thị ở châu Âu vẫn bị phơi nhiễm với mức NO2 cao hơn khuyến cáo của WHO.
Theo cơ quan trên, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca chết sớm mỗi năm trên thế giới, tương đương với số ca tử vong vì thuốc lá hoặc thiếu ăn./.