Hậu Giang: Xác động vật chết bị vứt đầy xuống kênh, rạch

Gần đây, tại nhiều nơi ở tỉnh Hậu Giang xuất hiện tình trạng vứt xác động vật chết xuống kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh rất đáng lo ngại.
(Nguồn: haugiangtivi.vn)

Những ngày gần đây, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn hiện tượng một số hộ chăn nuôi vứt xác động vật chết xuống kênh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân và làm tăng nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh.

Hiện tượng này đang xảy ra tại dọc bờ kênh Cây Me (ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ).

Anh Danh Thi (ấp 5, xã Xà Phiên) cho biết, tình trạng vứt xác động vật chết xuống kênh đã diễn ra hơn 2 tháng khiến người dân sống dọc hai bờ kênh khá bức xúc. Nguồn nước trên dòng kênh không thể sử dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày như trước đây.

Mặc dù chính quyền địa phương cùng ngành thú y tiến hành thu gom xác động vật trên tuyến kênh này nhưng hiện tượng người chăn nuôi vứt xác động vật chết xuống kênh khiến anh lo lắng về nguy cơ dịch bệnh cho đàn vịt 150 con của gia đình.

Tại khu vực kênh Cây Me trong (một nhánh của kênh Cây Me), ông Trịnh Tú Tài (ấp 5, xã Xà Phiên), cho biết, ngoài xác gia cầm được chứa trong các bao tải, còn có xác lợn chết vứt bừa bãi xuống dòng kênh này.

Xác động vật chết được vứt xuống kênh gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân tại đây.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết, trong giai đoạn hiện nay, thời tiết diễn biến khá thất thường, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn làm dịch bệnh dễ phát sinh. Mặt khác, người dân chủ yếu nuôi vịt chạy đồng, do đó nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương cùng ngành thú y phối hợp thu gom, xử lý xác động vật trên các tuyến kênh và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân xử lý gia cầm chết bằng cách chôn lấp để dễ dàng tiêu độc, khử trùng, hạn chế ô nhiễm môi trường nước.

Ông Trưng khuyến cáo, người chăn nuôi cần chú ý đảm bảo chuồng trại thoáng mát vào ban ngày, giữ ấm vào ban đêm; nới rộng diện tích chuồng nuôi nếu tăng đàn. Hộ nuôi thực hiện các biện pháp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi; vệ sinh, tiêu độc chuồng trại nếu tái đàn; đảm bảo liều lượng thực phẩm đều đặn cho đàn gia cầm. Đặc biệt, khi phát hiện vật nuôi chết cần báo cơ quan chức năng, lực lượng thú y để xét nghiệm, xử lý tránh tình trạng vứt xác động vật chết bừa bãi.

Để phòng ngừa dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn, ngày 27/2/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có văn bản số 252/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh .

Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm mắc bệnh; biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách có hiệu quả được chú trọng.

Ngoài ra, hộ nuôi thực hiện “5 không”: không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, đồng thời, cơ quan chức năng cũng tổ chức tiêm phòng vắcxin, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm trường hợp vứt xác gia cầm chết ra môi trường./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục