Hậu Giang: Nồng độ mặn tăng cao đột ngột sau một thời gian giảm

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang nhận định do nắng nóng kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về giảm dẫn đến nước bốc hơi nên độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ tăng nhanh.
Hậu Giang: Nồng độ mặn tăng cao đột ngột sau một thời gian giảm ảnh 1Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đã tiến hành đóng một số cống nhằm ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Sau thời gian độ mặn có xu hướng giảm (nửa đầu tháng 3/2020), hiện tại một số địa phương trong tỉnh Hậu Giang nồng độ mặn tăng cao đột ngột, độ mặn cao nhất đo được lên đến 16,3‰.

Theo kết quả quan trắc mới cập nhật ngày 31/3, độ mặn tại các điểm thuộc địa bàn huyện Long Mỹ như kênh Mười Thước là 16,2‰, cống Hóc Pó 9,2‰, cống Ba Cô 9,8‰; tại thành phố Vị Thanh, độ mặn quan trắc được ở cống kênh Lầu đạt 16,3‰, tại kênh Năm đạt 8,7‰, tại phường 7 là 2,4‰. So với ngày 30/3, độ mặn tăng từ 1,2-2,7‰.

Ông Trần Thanh Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, nhận định do nắng nóng kéo dài dẫn đến nước bốc hơi nên độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh tăng nhanh. Cùng với đó, lượng nước từ thượng nguồn đổ về theo dòng kênh xáng Xà No sụt giảm, kéo theo mực nước trong các kênh xuống thấp nên nước mặn lấn sâu vào nội đồng.

[Nông dân ĐBSCL chủ động chuyển đổi sản xuất ứng phó với hạn mặn]

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết để ứng phó với tình hình độ mặn tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng, Chi cục Thủy lợi đã cho đóng tất cả các cống thuộc hệ thống đê bao Long Mỹ-Vị Thanh, hệ thống cống Nam Xà No và một số cống trong hệ thống thủy lợi Ô Môn-Xà No thuộc địa bàn phường 7, thành phố Vị Thanh.

Chi cục cũng đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn để kịp thời thông tin đến người dân chủ động bảo vệ sản xuất.

Hậu Giang: Nồng độ mặn tăng cao đột ngột sau một thời gian giảm ảnh 2Cán bộ thủy lợi huyện Long Mỹ (Hậu Giang) quan trắc nồng độ mặn. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Ngành thủy lợi cũng khuyến cáo các địa phương và người dân cần chủ động thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo kế hoạch đã đề ra từ đầu mùa khô; kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Từ đầu mùa khô đến nay, ngành thủy lợi tỉnh Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các công trình ngăn mặn để đảm bảo vận hành; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt là trên hệ thống trạm đo mặn tự động để thông báo các địa phương có phương án vận hành các công trình kịp thời và thông báo đến người dân để bảo vệ sản xuất.

Đến thời điểm hiện tại, tình hình xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục