Hậu Giang nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục có nắng nóng, độ ẩm bình quân trên nền rừng xuống thấp ở mức dưới 15% nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao.
Diễn tập chữa cháy rừng. (Ảnh minh họa: Nhật Bình/TTXVN)

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, độ ẩm trong các khu rừng xuống thấp làm tăng nguy cơ cháy rừng, tỉnh Hậu Giang vừa nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) từ ngày 23/3/2020.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương có rừng, các đơn vị chủ rừng phải thường xuyên vận hành các phương tiện, dụng cụ, bố trí máy chữa cháy ở các khu vực trọng điểm; điều động lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ luôn trong tư thế sẵn sàng, đảm bảo chữa cháy kịp thời khi xảy ra sự cố.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức huấn luyện, thực tập chữa cháy rừng tại đơn vị; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong sinh hoạt, vệ sinh đồng ruộng; xử lý nghiêm các trường hợp ra vào rừng trái phép.

[Nguy cơ cháy rừng cao tại ĐBSCL trong cao điểm mùa khô]

Ban Chỉ đạo tỉnh giao Văn phòng Ban Chỉ đạo-Chi cục Kiểm lâm tiếp tục theo dõi, kiểm tra ứng trực cháy rừng của các đơn vị chủ rừng, tổng hợp báo cáo, đề xuất nếu có vấn đề phát sinh theo quy định.

Các địa phương có rừng và các đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ rừng, nghiêm túc tổ chức ứng trực cháy rừng đảm bảo 24/24 giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ.

Hiện nay, diện tích rừng trong tỉnh Hậu Giang là trên 2.800ha. Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nắng nóng làm lớp thực bì ở các vùng trọng điểm tại các khu rừng rất khô, độ ẩm bình quân trên nền rừng xuống thấp ở mức dưới 15% nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.

Từ đầu mùa khô, ngành kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan và chủ rừng thực hiện nhiều cuộc tuần tra bảo vệ rừng; phát dọn, thông luồng kênh, mương; tu sửa cống, đập giữ nước; phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác, bố trí sẵn máy móc, thiết bị chữa cháy rừng tại các điểm, chốt canh gác lửa để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục