Hậu Giang kịp thời gỡ vướng trong thực hiện Dự án Cao tốc Bắc-Nam

Tỉnh Hậu Giang sẽ giải quyết kịp thời, dứt điểm vướng mắc, lập thủ tục đề nghị cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 3/2023 để đảm bảo mặt bằng cho Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 16/3, tại cuộc họp giải quyết những vướng mắc trong thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết hàng tuần hoặc chậm nhất là 10 ngày, tỉnh sẽ có buổi giao ban để giải quyết kịp thời, dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này.

Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận - thuộc Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, các tỉnh có dự án đi qua đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tích cực thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo bàn giao trên 80% mặt bằng cho dự án.

Tuy nhiên, một số đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng còn tình trạng “xôi đỗ,” hoặc vướng nhà cửa, vật kiến trúc tại các vị trí tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hiện hữu và các kênh rạch nên việc tiếp cận mặt bằng thi công gặp nhiều khó khăn, một số đoạn có mặt bằng sạch nhưng không tiếp cận được để thi công.

Cụ thể, dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang có 1 gói thầu xây lắp đi qua, mặt bằng đã bàn giao 33,68/37,65 km tuyến cao tốc (đạt 89%) và 2,3km tuyến nối.

[Quảng Ngãi gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng Cao tốc Bắc-Nam]

Tuy nhiên, hiện các nhà thầu mới tiếp cận công trường được khoảng 19,59km tuyến cao tốc (đạt 52%) và 2,3km tuyến nối.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau có 3 gói thầu xây lắp, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 64/73 km đạt 88%, nhưng mặt bằng có thể tiếp cận thi công khoảng 44,8/73km đạt 61%.

Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị đối với các đoạn đã bàn giao nhưng còn vướng mắc chưa thi công được, các địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết, đẩy nhanh việc xử lý khiếu nại của người dân để các hộ dân bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, ưu tiên các vị trí giao cắt với đường giao thông, các tuyến kênh để tập kết thiết bị, vật liệu thi công và tổ chức thi công các cầu trên tuyến.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, hiện tại dự án qua Hậu Giang còn vướng 16 vị trí chưa thông tuyến, chưa có mặt bằng cho đơn vị thi công vận chuyển cơ giới đi qua để đến điểm có mặt bằng thi công, tổng chiều dài khoảng 1.889m.

Trong thời gian tới, đối với các vị trí chưa thông tuyến, chính quyền các cấp vận động các hộ này trước mắt cho xe máy thi công đi qua để đến điểm có mặt bằng thi công trong tháng 3/2023. Đối với các hộ không chấp hành, ngành chức năng sẽ lập thủ tục đề nghị cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 3/2023.

Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang ảnh hưởng tới 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện; có chiều dài khoảng 63,6km/110,93km, bằng 57% chiều dài của đoạn từ thành phố Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau; có 2.067 hộ dân và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha.

Dự án qua Hậu Giang gồm 2 dự án thành phần Dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang chiều dài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 37,1km gồm huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và xã Vĩnh Tường, một phần xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy; có diện tích là 220,96ha với 1.358 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 26,5km, gồm một phần xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ; có diện tích 140,57ha với 709 hộ dân bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục