Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trích khoảng 800 tỷ đồng từ quỹ kinh phí dự phòng thiên tai để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở trước mùa mưa năm nay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống trên địa bàn.
Theo phản ánh của các địa phương, các khu vực trên đứng trước nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là trong mùa mưa, mùa nước nổi năm nay. Tình hình sạt lở ven sông trên địa bàn rất khó lường, số điểm sạt lở, mức độ thiệt hại ngày một nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân sinh sống trong khu vực.
Vì vậy, việc chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở ven sông là nhiệm vụ rất bức thiết ở tỉnh này. Tuy nhiên cái khó hiện nay là thiếu kinh phí, địa phương đã thực hiện giải pháp tạm thời để đối phó nhưng không mang lại hiệu quả, ngược lại nguy cơ sạt lở ngày càng tăng, mực độ thêm nghiêm trọng.
Theo báo cáo ngành nông nghiệp Hậu Giang, hiện trên địa bàn xuất hiện 110 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa năm nay với chiều dài hơn 6,6km, tập trung nhiều trên các tuyến sông Cái Côn, Mái Dầm, Cái Dầu, Ngã Sáu… thuộc các huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy.
Nhiều điểm đã xuất hiện vết nứt chiều rộng từ 3-10m, chiều sâu từ 2,5-5,5m có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Các điểm sạt lở trên nếu không được xây dựng kè chống sạt lở kịp thời sẽ làm mất hơn 15.000m2 đất, ảnh hưởng gần 100 căn nhà, hơn 1.500m2 hoa màu, vật kiến trúc, làm hư hỏng nặng gần 2.000m2 đê bao, lộ giao thông nông thôn.
Ngoài ra, trên địa bàn còn 33 điểm, vùng đã sạt lở với chiều dài gần 1.000m nhưng chưa được gia cố, xây dựng kè phòng chống chắc chắn. Đáng báo động là nguy cơ sạt lở đang đe dọa hàng trăm hộ dân sống trong khu vực, các công trình dân sinh, cơ quan nhà nước, diện tích sản xuất, hoa mùa, cây ăn trái…
Điều lo lắng hơn, trong những năm gần đây tình hình sạt lở ven sông ở Hậu Giang đang có chiều hướng tăng nhanh. Riêng từ đầu năm đến nay, tuy chưa bước vào cao điểm mùa mưa bão, lũ lụt nhưng đã xảy ra 6 vụ sạt lở làm hư hỏng nhiều nhà cửa, thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng.
Theo tính toán, với nguồn kinh phí trên tỉnh sẽ đầu tư xây kè chống sạt lở kiên cố, bê tông cốt thép ở tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Đây là biện pháp tối ưu nhất, bởi trong điều kiện tự nhiên, đặc thù vùng sông rạch chằng chịt, tác động bởi triều cường, tàu thuyền trên sông, thì các giải pháp bán kiên cố, biện pháp phi công trình chỉ mang tính đối phó nhất thời./.