Về Hậu Giang những ngày này, chúng tôi có thể thấy được sự thay đổi đi lên rõ rệt của một tỉnh nghèo đang bứt phá vươn lên từ khó khăn.
Cùng với đón chào Năm mới 2014, Hậu Giang đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm quân, dân Khu 9 chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch vi phạm Hiệp định Paris và 10 năm thành lập tỉnh (1/1/2004-1/1/2014).
Thành tựu 10 năm
Mười năm, một chặng đường chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để nhìn lại những nỗ lực vượt khó với những bước đi vững chắc trên con đường phát triển, làm thay đổi diện mạo của một tỉnh thuần nông, còn nhiều khó khăn như Hậu Giang, kể từ khi được thành lập đến nay.
Ông Trần Công Chánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cho biết 1/10 thế kỷ đã đi qua, thành tựu đạt được của Hậu Giang để lại những dấu ấn khó quên.
Đó là từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã xây dựng 40.000 căn nhà tình nghĩa và nhà tình thương. Năm 2005, Hậu Giang thành lập thị xã Ngã Bảy; năm 2006 nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61 và đưa vào sử dụng cầu Cái Tư nối liền với Kiên Giang.
Năm 2007, tỉnh thành lập các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; năm 2008 thành lập trường trung cấp, cao đẳng và đại học; năm 2009 khánh thành Công viên Xà No - công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất.
Năm 2010, tỉnh thành lập thành phố Vị Thanh; năm 2011 khánh thành Khu hành chính Ủy ban Nhân dân tỉnh; năm 2012 đường nối Vị Thanh với Cần Thơ và Nhà thi đấu đa năng tỉnh được đưa vào sử dụng.
Năm 2013, tỉnh có nhiều công trình mới như Trụ sở Tỉnh ủy, Bệnh viện Đa khoa 500 giường, hoàn thành xây dựng hệ thống trường mầm non…
Hiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, quy mô 5.200ha, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2012, đang được khẩn trương lập quy hoạch.
Hai cánh đồng mẫu lớn của tỉnh và ba cánh đồng mẫu cấp huyện đã được hình thành và đang trong giai đoạn đánh giá để nhân rộng. Một số loại nông sản đã được đăng ký nhãn hiệu và có thương hiệu trên thị trường như bưởi năm roi, bưởi hồ lô, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cá rô đồng, lúa Hậu Giang,…
Quy mô nền kinh tế Hậu Giang mặc dù còn nhỏ bé so với các tỉnh trong khu vực nhưng đã có bước tăng khá nhanh. Nổi bật là năm 2013, giá trị sản xuất đạt 53.000 tỷ đồng, gấp 5,44 lần so với năm 2004; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12.770 tỷ đồng, gấp 6,9 lần; thu nội địa đạt 1.090 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với năm 2004.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với thành tựu đạt được, có thể khẳng định Hậu Giang đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị 10 năm, xứng đáng với truyền thống cách mạng của "Vùng căn cứ kháng chiến."
Mười năm xây dựng và phát triển đối với một tỉnh mới như Hậu Giang, nơi còn nhiều khó khăn, với hơn 80% là nông nghiệp và vẫn còn gần 32.000 đối tượng chính sách, có thể nói đây là một sự bứt phá có ý nghĩa, làm nền tảng, tiền đề quan trọng cho bước phát triển tiếp theo.
Tầm nhìn đến năm 2050
Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, 10 năm tiếp theo là giai đoạn có nhiều bước ngoặt rất quan trọng, đặc biệt là thực hiện mục tiêu chiến lược theo Nghị quyết của Đảng "đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại."
Để cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu này và để giữ vững, phát huy thành tựu đạt được, trong những năm tới Hậu Giang phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa.
Trước mắt, tỉnh tập trung dồn sức thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015, đặc biệt là bốn Chương trình hành động, gồm Chương trình Nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; Chương trình Phát triển nguồn nhân lực; Chương trình Cải cách hành chính.
Tỉnh sẽ xây dựng và tập trung thực hiện một số đề án, kế hoạch cụ thể như Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình phát triển nông sản thế mạnh của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn.
Tỉnh thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế, trọng tâm là y tế tuyến cơ sở; triển khai quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.
Hậu Giang cũng tiếp tục thực hiện Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; hoàn thành Đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn tất việc lập hồ sơ đề nghị phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tỉnh thực hiện theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành. Trong đó, phấn đấu đến năm 2019, kinh tế-xã hội Hậu Giang phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt khoảng 70 triệu đồng/người (cao hơn mức bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Hoàn thành điện khí hóa nông thôn, hoàn chỉnh hệ thống đường ô tô về trung tâm xã, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống đường liên ấp.
Tỉnh phấn đấu 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia và hoàn chỉnh hệ thống y tế; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cấp thị xã Ngã Bảy lên thành phố; thành phố Vị Thanh đạt chuẩn đô thị loại II.
Hậu Giang phấn đấu năm 2024, kinh tế-xã hội phát triển hiện đại và bền vững, trở thành một tỉnh đô thị hóa, một trung tâm công nghiệp thương mại dịch vụ phát triển, có sức hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao trong vùng. Khi đó, Hậu Giang trở thành vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản, là vùng phát triển công nghiệp tập trung, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, là trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm tiếp vận cấp vùng, là vùng phát triển có bản sắc văn hoá truyền thống, có cảnh quan đặc trưng, vùng có chất lượng cuộc sống tốt, hài hòa thân thiện với môi trường…
Ông Huỳnh Minh Chắc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quyết tâm chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực hành động.
Lãnh đạo tỉnh chú ý lắng nghe ý kiến đóng góp, nắm bắt nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của thời đại, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tích cực dự báo tình hình, tính toán khả năng thực hiện, xác định trọng tâm, trọng điểm, các mũi đột phá trước mắt và lâu dài, để xây dựng kế hoạch khả thi, có lộ trình thống nhất, có bước đi cụ thể, vững chắc.
Bên cạnh đó tiếp tục huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương Hậu Giang văn minh, phồn vinh, giàu đẹp. /.