Hậu bầu cử Quốc hội, chính trường Anh đi về đâu?

Kết quả của nhiều cuộc thăm dò cho thấy nhiều khả năng kết quả cuộc bầu cử ngày 6/5 sẽ là một quốc hội "treo." Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có một đảng nào giành đủ đa số ghế trong quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ của riêng mình. Chính trị nước Anh vì thế sẽ bước vào một thời kỳ biến động, một chính phủ thiểu số hay một chính phủ liên minh đều sẽ làm cho việc điều hành đất nước trở nên khó khăn hơn.
Chỉ còn vài giờ nữa nước Anh sẽ chính thức bước vào tổng tuyển cử. Cho đến giờ phút này, từ kết quả của nhiều cuộc thăm dò cho thấy khả năng cao kết quả bầu cử sẽ là một quốc hội "treo."

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có một đảng nào giành đủ đa số ghế trong quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ của riêng mình.

Chính trị nước Anh vì thế sẽ bước vào một thời kỳ biến động, một chính phủ thiểu số hay một chính phủ liên minh đều sẽ làm cho việc điều hành đất nước trở nên khó khăn hơn.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các chính sách đối nội mà ngay cả chính sách đối ngoại của Anh cũng sẽ bị tác động, vai trò của Anh với EU và vai trò cầu nối của Anh giữa Mỹ và EU cũng sẽ bị tác động mà một số nhà phân tích chính sách đối ngoại đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về vị thế của Anh trước EU và vai trò của cầu nối của Anh nối EU và Mỹ sẽ bị thu lại nếu như kết quả chung cuộc của bầu cử 6/5 tại Anh là quốc hội treo.

Hệ thống bầu cử quốc hội Anh

Nền chính trị Anh có truyền thống được thống trị bởi hai đảng lớn nhất là Công đảng và Bảo thủ. Tuy nhiên tại cuộc bầu cử lần này có nhiều dấu hiệu cho thấy có khả năng truyền thống này sẽ bị thay đổi bởi uy tín của Dân chủ Tự do tăng lên khá cao vượt khỏi dự đoán trước đây của nhiều nhà phân tích.

Việc Công đảng có thể có số phiếu phổ thông ít nhất trong 3 đảng nói trên nhưng họ vẫn có thể hy vọng sẽ giành được số ghế nhiều nhất trong quốc hội là do theo hệ thống bầu cử ở Anh một đảng sẽ chỉ giành được một ghế nếu họ giành được số phiếu lớn nhất trong một hạt bầu cử.

Điều đó có nghĩa là các đảng phải cố gắng thu phục càng nhiều càng tốt sự ủng hộ càng nhiều các dân tại từng hạt bầu cử. Các đảng nhỏ hơn có thể giành chiến thắng hàng ngàn phiếu trên khắp đất nước nhưng vẫn không giành nổi một ghế. Hệ thống bầu cử này tạo ra nhiều khả năng cho một đảng duy nhất sẽ giành đa số phiếu.

Một quốc hội thiếu đa số là quốc hội khi không có đảng nào giành được đa số ghế, có nghĩa là không có đảng nào nắm hơn một nửa số nghị viên trong Hạ viện. Điều đó có nghĩa chính phủ sẽ không thể thắng về số phiếu để thông qua luật mà không có sự ủng hộ của các nghị viên từ những đảng khác.

Trong cuộc bầu cử ngày 6/5, số ghế để tranh cử sẽ tăng lên từ 646 tới 650 do những thay đổi ranh giới hạt bầu cử. Do vậy để giành được đa số ghế trong quốc hội thì một đảng phải có được 326 ghế và nếu không có đảng nào giành được nhiều ghế như vậy thì quốc hội ở tình trạng gọi là quốc hội thiếu đa số.

Xét ở góc độ số ghế được và mất thì Công đảng sẽ mất đa số tuyệt đối nếu đảng này mất 24 ghế và đảng Bảo thủ sẽ giành đa số tuyệt đối nếu tăng được 116 ghế. Bất kỳ kết quả nào nằm ở giữa sẽ dẫn đến quốc hội thiếu đa số.
Cuộc đua nước rút

Theo một số kết quả thăm dò tới thời điểm này 1/3 số cử tri vẫn chưa quyết định mình sẽ bỏ phiếu cho đảng nào. Do vậy đây là thời điểm quyết định sống còn số phận của mỗi đảng tranh cử.

Thủ tướng Gordon Brown hôm 4/5 đã khởi động chuyến đi vận động tranh cử 36 giờ chót của mình,ông đi vận động tranh cử dọc khu vực miền trung, tây bắc và phía bắc của xứ Wales và điểm tập kết cuối sẽ là sự có mặt hầu hết các nội các của ông tại Manchester để quyết tâm giành "từng lá phiếu" cho Công đảng như lời ông phát biểu với các cử tri tại đây.

Ông Brown kêu gọi các cử tri hãy bỏ phiếu theo chiến thuật để ngăn không cho Đảng Bảo thủ có thế lên nắm quyền được.

Đảng Bảo thủ chiều 4/5 cũng tung ra hàng loạt chiêu nhằm hạ gục ý đồ kêu gọi người dân bỏ phiếu theo chiến thuật của Công đảng.
 
Một đoạn video chín phút được gửi qua email cho 500.000 người so sánh tham vọng của Công đảng sau khi nhậm chức với con số "kỷ lục" của Công đảng trong 13 năm cầm quyền.

Nổi bật là tội phạm dao, con số trẻ em đói nghèo, kinh tế suy thoái, nợ quốc gia....Tất cả để chứng minh cho khả năng kết nối giữa nguyện vọng và khả năng thực hiện của Công đảng.

Daivd Cameron cũng miệt mài với chiến dịch 24 giờ của mình với lời kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho Dân chủ Tự do với lý giải" bầu cho Lib Dems không phải là một cuộc bỏ phiếu cho sự thay đổi, đó là một bầu không chắc chắn và có thể điều này sẽ giữ Gordon Brown tại Downing Street."

Ông Cameron hôm 4/5 cũng sẽ bay đến Bắc Ireland mặc dù mới có quy định hạn chế bay ban hành do các đám mây tro núi lửa từ Iceland.

Nếu các cuộc thăm dò chứng minh chính xác, sự cân bằng quyền lực cũng có thể được tổ chức bởi các nghị sĩ quốc gia và Bắc Ireland, đặc biệt là nếu ông Cameron muốn tránh bước vào một liên minh với Đảng Dân chủ Tự do.

Trong khi đó, Nick Clegg, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, hôm 4/5 rút lại câu nói trước đây của mình là đảng của ông sẽ không tham gia bất cứ chính phủ liên minh với đảng nào mà không chấp nhận đại diện tỷ lệ.
Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với GMTV, ông này lại nói ông không bao giờ đặt bất kỳ điều kiện tối thiểu cho một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Sự thay đổi lập trường này của ông Clegg cho thấy ông này đã thừa nhận đến giờ phút này nhiều khả năng khả năng phải đối phó với ông Cameron hơn so với ông Brown trong trường hợp một Quốc hội treo.

Trong khi đó ông Cameron đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận liên quan đến đại diện tỷ lệ và đã ngụ ý ông thà rằng thành lập một chính phủ thiểu số hơn là thành lập một liên minh chính thức. Ông cũng có thể chuyển sang các đảng nhỏ dân tộc Bắc Ailen nếu họ giữ cân bằng quyền lực hơn là chấp nhận yêu cầu của Dân chủ Tự do về đại diện tỷ lệ.

Kịch bản nào cho chính trường nước Anh?

Khả năng một quốc hội treo cho đến nay đều được tất cả các báo chí của Anh nhất trí đây là khả năng cao nhất cho kết quả của ngày bầu cử 6/5. Tuy nhiên dưới đây là một số tình huống sẽ có thể xảy ra:

Nếu như Công đảng thất cử, thủ tướng Gordon Brown đến ngày 7/5 có thể sẽ quay trở lại 10 Downing Street và chuẩn bị gặp Nữ hoàng xin từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Tuy nhiên theo luật thì Thủ tướng đương nhiệm sẽ vẫn nắm quyền cho đến khi ông từ chức hoặc cũng có thể cố ở lại trong chính phủ ngay cả khi đảng của mình không giành được số ghế nhiều nhất.

Một đảng có thể ở lại nắm quyền mà không có đa số tuyệt đối bằng cách tạo liên minh với một đảng nhỏ hơn để tạo ra một chính phủ liên minh, mà thường sẽ bao gồm việc nhượng bộ chính sách và cho các thành viên của các đảng nhỏ hơn vào nội các.

Một khả năng khác cho đảng giành nhiều ghế nhất là hình thành chính phủ thiểu số không có thỏa thuận với các đảng khác mà chỉ cố gắng để hình thành đa số cho từng lá phiếu của mỗi dự luật đơn lẻ khi cần mà thôi.

Nếu không đảng nào muốn đi theo cách đó thì quốc hội sẽ được giải thể một lần nữa và sẽ có một cuộc bầu cử khác, mặc dù có trên thực tế điều đó thường không xảy ra vì hai cuộc bầu cử quá gần nhau không phải là thực tế hay ho gì và kết quả có lẽ cũng như vậy./.

Diễm Quỳnh/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục