Hát trống quân - nét đẹp văn hóa dân gian Bắc bộ

Hát trống quân là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống hết sức độc đáo của Bắc bộ, một di sản văn hóa được lưu giữ đến ngày nay.
Hát trống quân là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, một di sản văn hóa của nhân dân  vùng đồng bằng Bắc bộ ưa thích ngang với hát chèo.

Hát trống quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du của Việt Nam, từ Thanh Hóa trở ra.

Tục truyền, hát trống quân xuất hiện vào đời nhà Trần, thời chống quân Nguyên, binh sỹ khi giải trí ngồi thành hai hàng đối nhau, một bên là "hát xướng," một bên là "hát đáp," khi hát gõ vào tang trống để làm nhịp.

Hát trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát nhưng đều có đặc điểm chung là cách thức hát xướng giống nhau, làn điệu gần giống nhau và sử dụng cùng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn "lưu không" giữa những câu đối đáp.

Tiếng đàn, câu hát trống quân cất lên trong đêm thanh vắng, lôi cuốn nam thanh nữ tú kéo về tụ hội tỏ tình, ca ngợi quê hương, đất nước để lại biết bao kỷ niệm.

Người chơi hát trống quân thường được chia làm hai bên, thường là bên nam và bên nữ, mỗi bên cử ra một người có tài thơ văn để ứng đối với nhau từng câu. Lời hát chỉ là hai câu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Cái hay, cái khó là người hát phải nhanh trí vận nối được vần, chữ cuối của người hát trước (câu tám) phải vần với chữ cuối dòng đầu (câu sáu) của người hát sau.

Hát trống quân được hát dưới Trăng, (thường vào mùa Thu, tháng Tám Âm lịch), ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội.

Hát trống quân thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng. Khi hát trống quân có trống dẫn nhịp. Người ta còn gọi trống này là "trống thùng."

Trống thùng được cấu tạo bởi hai cọc được được cắm xuống đất ơ hai phía, một bên là phe nam, một bên là phe nữ đứng (hoặc ngồi). Một sợi dây thừng được buộc vào hai cọc, chính giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố đất nhỏ, mặt đáy trên sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy thùng mà kêu thành tiếng.

Xưa kia, trống thùng làm bằng hai cọc tre cao khoảng 1 mét và một thanh tầm vông gác ngang. Giữa thanh tầm vông người ta đặt một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên một miếng ván mỏng được đặt hờ trên một hố đất nhỏ. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng (là phần dây nơi đầu cọc hoặc đầu thanh tầm vông) để làm nhịp "lưu không," vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại.

Về âm nhạc, trống quân là một làn điệu gần với hát nói hơn. Vì lời ca là thơ lục bát và mỗi lần hát có thể dài ngắn khác nhau, nên giai điệu biến đổi theo dấu giọng, trống quân lấy đối lời làm chính và được diễn xướng ở tốc độ nhanh vừa, lời ca chỉ có vài tiếng đệm như "thời, có mấy, hời, ư, nầy, rằng..." nhấn thêm giai điệu.

Hát trống quân là cuộc hát chơi thoải mái mang tính giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc. Lời hát mộc mạc nhưng rất trí tuệ, khuyến khích tri thức học vấn và sự sáng tạo ngôn ngữ, hiểu biết các địa danh và phong tục tập quán của địa phương, qua đó đề cao tính nhân văn, trào lộng, yêu đời và yêu quê hương. Cuộc hát tạo cơ hội cho bao lứa đôi kết bạn, kết duyên trong sáng mà ân tình.

Hiện nay, nhiều bài hát trống quân được thu thập, lưu giữ từ những canh hát, cuộc hát ở nhiều nơi rất sinh động, trào lộng mà trang nhã, thông minh, chứng tỏ trình độ sáng tạo nghệ thuật của dân gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục