Hấp dẫn mô hình du lịch vườn dâu tây tự tay thu hoạch tại Đà Lạt

Tham quan vườn trồng dâu tây và tự tay thu hoạch dâu đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong, ngoài nước tại phố núi Đà Lạt, Lâm Đồng.
Hấp dẫn mô hình du lịch vườn dâu tây tự tay thu hoạch tại Đà Lạt ảnh 1Thu hoạch dâu tây tại Đà Lạt (Nguồn: TTXVN)

Tham quan vườn trồng dâu tây và tự tay thu hoạch dâu đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong, ngoài nước tại phố núi Đà Lạt, Lâm Đồng.

Thời gian qua, không chỉ các đơn vị kinh doanh du lịch mà nhiều nhà vườn cũng đầu tư mô hình du lịch mới mẻ này, góp phần làm cho hoạt động du lịch của Đà Lạt thêm phong phú, đa dạng.

Tại khu vực Thánh Mẫu, phường 8 - một trong những vùng trồng dâu tây lớn nhất của Đà Lạt - gần đây xuất hiện nhiều vườn dâu tây "siêu sạch" phục vụ khách tham quan.

Có thể kể đến như vườn dâu Nhật, vườn dâu nhà Lê Phương, vườn dâu tự hái của ông Vương Đình Phi. Trong đó, vườn dâu của gia đình ông Phi là một trong những vườn dâu tự hái đầu tiên của phố núi mở cửa đón khách với cách làm khá bài bản.

Ngoài cửa vườn, ông chủ gắn bảng thông tin về giờ mở cửa đón khách trong ngày, giá vé, những lưu ý đối với khách khi tham quan vườn dâu và cả hệ thống nhà vệ sinh phục vụ du khách.

Vườn dâu này rộng khoảng 3.000m2, được canh tác theo công nghệ mới với cây dâu tây được trồng trên dàn cao khoảng 1m so với mặt đất chứ không canh tác trên luống đất như truyền thống.

Chủ vườn cũng áp dụng hệ thống tưới nước tự động và “nói không” với các loại hóa chất nên sản phẩm được cho là an toàn với sức khỏe, có thể hái dâu ăn tại chỗ.

Mô hình du lịch vườn dâu tự hái không chỉ thu hút những nhà vườn mà một số khu du lịch tại Đà Lạt cũng bắt đầu chạy theo xu hướng này để “làm mới” hình ảnh của mình.

Trong khuôn viên Khu du lịch hồ Than Thở, vườn dâu sinh thái của Công ty BioFresh đang trở thành một điểm đến mới của du khách. Đây là vườn dâu được trồng theo tiêu chuẩn châu Âu với cây giống từ Pháp, giá thể nhập khẩu từ Đức, phân bón của Hà Lan và được trồng trong nhà kính mini, rất thông thoáng.

Tương tự, Khu du lịch Thung lũng Tình yêu cũng được đơn vị quản lý đầu tư một vườn dâu tây phục vụ du khách. Để tạo nên chuỗi liên kết trong sản phẩm du lịch mới, khu du lịch này còn đầu tư thêm hệ thống xe lửa với tuyến đường bắt đầu từ khu vực cổng vào đến tận vườn dâu. Đây cũng là tuyến đường xuyên suốt khu du lịch, băng qua rừng thông, men theo hồ nước trong thung lũng nhằm tạo cảm giác mới lạ, ấn tượng cho khách tham quan.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, dịch vụ tham quan, trải nghiệm tại vườn dâu đã từng bước hình thành nên một mô hình, sản phẩm du lịch mới - du lịch canh nông của Đà Lạt-Lâm Đồng, được khách du lịch trong và ngoài nước ưa thích.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: “Trên thực tế mô hình này vẫn còn một số hạn chế về cơ sở hạ tầng như bãi đậu xe cho du khách, khu vực giới thiệu sản phẩm hay nhà vườn còn yếu về nghiệp vụ du lịch... Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhà vườn khắc phục hạn chế trên và tiếp tục nhân rộng loại hình du lịch canh nông này ở các khu vực lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương với mô hình vườn hoa, rau củ các loại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục