Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt May - Thiết bị và Nguyên phụ liệu (HANOITEX 2018) chính thức khai mạc sáng nay (19/9) tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE - 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên của ngành Dệt may Việt Nam nhằm tập trung giới thiệu các máy móc, phụ tùng thay thế, công nghệ, thuốc nhuộm và hóa chất trong lĩnh vực này.
[Xuất siêu 2,8 tỷ USD, doanh nghiệp nội tăng trưởng cao hơn khối FDI]
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, trong năm qua, ngành Dệt may Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Du vậy, năm 2018 dự báo là một năm đầy thách thức đối với ngành trong giai đoạn cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Đó là việc chuyển từ sản xuất gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, nhân sự.
"Bài toán đối với ngành dệt may hiện nay không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng, mà đó là không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, đội ngũ marketing với trình độ cao hơn," lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dù có nhiều thách thức khác nhau, đặc biệt là thị trường thế giới cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, nhưng năm 2017, Dệt may Việt Nam vẫn xuất khẩu hơn 31 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2016.
"Triển lãm HANOITEX cũng là một cơ hội để giúp doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam tìm hiểu và trang bị cho mình những thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, cơ hội hợp tác để phát triển mạnh mẽ hơn nữa," ông Vũ Đức Giang thông tin thêm.
Theo thống kê, trong 8 tháng kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017.
Các thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm đến 75% giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam và tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho thấy, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 8 tháng qua, cùng những tín hiệu khả quan về thị trường, dự báo xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, nâng tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD./.
Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt may- Thiết bị và Nguyên phụ liệu 2018 quy tụ 118 công ty đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Việt Nam…
Ban tổ chức cho biết, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 19/9 đến 21/9/2018.