Hành trình về nguồn: Ôn lại quá khứ, vững bước tương lai

Hành trình thăm di tích T6 - nơi đặt đài thu phát của TTXVN trong kháng chiến chống Mỹ là hoạt động quan trọng trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Báo Điện tử VietnamPlus.
Biển hiệu của Trạm thu phát T6- Thông tấn xã Việt Nam tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội năm 1967 (Nguồn: Vietnam+)

Để hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của Thông tấn xã Việt Nam, tưởng nhớ những hy sinh của thế hệ người làm báo thông tấn đi trước, ngày 3/11, Báo Điện tử VietnamPlus đã tổ chức hành trình Về nguồn, tới thăm di tích T6. Đây là một trong những địa điểm sơ tán của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Tham dự hành trình có nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cùng toàn thể ban lãnh đạo và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Điện tử VietnamPlus.


[Hình ảnh: Hành trình về nguồn của Báo Điện tử VietnamPlus]

Hành trình Về nguồn lần này là hoạt động quan trọng trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Báo điện tử VietnamPlus (13/11/2008-13/11/2018).

Một thời hoa lửa

Bác Lê Đình Cẩm - một cán bộ lão thành Thông tấn xã Việt Nam kể rằng, T6 là nơi đặt đài thu phát của cơ quan Việt Nam Thông tấn xã (tên gọi khi đó của Thông tấn xã Việt Nam ngày nay) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gắn với những ký tức không thể lãng quên về một thời hoa lửa. Khi ấy, lớp lớp những người làm báo thông tấn đã vượt qua bao gian lao, khó khăn để giữ vững dòng thông tin chủ lưu, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Năm 1965, sau thất bại của chiến lược chiến tranh đặc biệt tại Việt Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ với mục tiêu đè bẹp quân giải phóng miền Nam đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc. Nhận được chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã cử một số cán bộ về huyện Quốc Oai làm công tác tiền trạm, đặt nền móng xây dựng đài thu phát T6.

Tập thể Báo điện tử VietnamPlus trong hành trình về nguồn, tới thăm di tích T6. (Ảnh: Nguồn Vietnam+)

“Khi đó, những cán bộ của đầu tiên của T6 gánh trên vai nhiều trọng trách: lựa chọn địa điểm đảm bảo không quá xa Hà Nội (để thuận tiện cho việc truyền tin tức được nhanh nhất) nhưng cũng không quá gần Thủ đô (nhằm đảm bảo an toàn). Chọn được địa điểm, chúng tôi bắt tay vào xây dựng cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị xứng tầm với vị thế của một cơ sở dự phòng chiến lược của Thông tấn xã Việt Nam trong chiến tranh. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn cán bộ, kỹ thuật viên, điện báo viên được đào tạo chính quy, có tay nghề để phục vụ cho hoạt động của T6 cũng được tiến hành khẩn trương,” bác Lê Đình Cẩm cho biết.

[Infographics: Bác Hồ với Thông tấn xã Việt Nam]

Đài thu phát T6A đặt tại động Hoàng Xá dưới chân núi Tượng Linh được xây dựng trước. Sau đó, đài thu T6B nằm cách đó khoảng 2km, được xây dựng vào năm 1967 dưới chân núi Sơn Tượng.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các ban biên tập và nhiều bộ phận khác lần lượt chuyển về T6. Đây trở thành nơi hội ngộ của những thanh niên nhiệt huyết đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Vượt qua nhiều gian lao, thử thách khắc nghiệt, nhiều thế hệ cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đã đổ mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu để có được những bản tin nhanh, kịp thời chính xác, phục vụ chiến trường và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nhiều đồng chí lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã (Tổng giám đốc Đào Tùng, Phó Tổng giám đốc Hoàng Tư Trai, Phó Tổng Giám đốc Trần Thanh Xuân…) đã trực tiếp về T6 chỉ đạo công việc.

Hàng chục kỹ thuật viên sau khi được đào tạo chuyên sâu tại T6 đã tỏa đi chi viện cho các chiến trường. Đồng nghiệp, bạn bè vẫn luôn nhắc đến một điện báo viên của T6 với sự yêu mến và niềm thương tiếc vô bờ. Đó là liệt sỹ Phạm Thị Đệ. Chị hy sinh tại chiến trường Khu 5 (Tây Quảng Nam - Đà Nẵng) vào tháng 11/1973 khi mới ngoài đôi mươi.

Sau thắng lợi của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (1972), đế quốc Mỹ buộc phải dừng ném bom trên toàn miền Bắc. Các đơn vị của Việt Nam Thông tấn xã lần lượt trở về trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên tiếp tục tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam. T6 chỉ còn bộ phận kỹ thuật làm nhiệm vụ thu phát tin, ảnh.

Khu vực làm việc tại trạm T6 của các cán bộ Thông tấn xã Việt Nam được xây dựng kiên cố, chia làm nhiều phòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 1989, sau hơn hai thập kỷ hoạt động bền bỉ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, T6 được Nhà nước cho phép giữ nguyên trạng để làm nơi dự phòng chiến lược và di tích lịch sử.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh: “T6 đã phát huy sức mạnh, khẳng định vai trò quan trọng của thông tin thông tấn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.”

Vững bước tương lai

VietnamPlus luôn tự hào là báo điện tử trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam - hãng thông tấn duy nhất của cả nước, thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong việc phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình truyền thông, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng có nhu cầu ở trong và ngoài nước.

“Hành trình về nguồn lần này là dịp để cán bộ, phóng viên, biên tập viên của VietnamPlus hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của Thông tấn xã Việt Nam, khơi gợi tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng và phát triển Thông tấn xã Việt Nam,” nhà báo Đoàn Ngọc Thu - Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho biết.

Lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus tặng quà lưu niệm cho di tích T6. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với vai trò báo đối ngoại của Chính phủ, VietnamPlus có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các sự kiện thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra tại Việt Nam và thế giới theo quan điểm của Đảng, Nhà nước bằng năm thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ba Nha và tiếng Trung Quốc.

Ngoài bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phản ánh kịp thời, sinh động, đa dạng tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, những chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ, Báo điện tử VietnamPlus luôn là tờ báo tiên phong trong các xu hướng công nghệ báo chí hiện đại nhằm đưa tin tức đến với độc giả bằng nhiều cách và có chọn lọc từng đối tượng độc giả.

Từ những năm đầy thành lập đến nay, VietnamPlus đã sớm cập nhật và phổ biến xu hướng báo chí: Rap News, News Game (đưa tin tức theo cách thể hiện mới trong các hình loại hình nghệ thuật, trò chơi tương tác), đồ họa và đồ họa tương tác, ảnh và video 360 độ, Mega Story, báo chí dữ liệu…

[VietnamPlus lần thứ sáu liên tiếp giành Giải Báo chí quốc gia]

Việc các tác phẩm thể hiện theo các xu hướng báo chí mới của VietnamPlus được trao giải thưởng cao tại các giải báo chí lớn (Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm Vàng, Giải Báo chí toàn quốc về Thông tin Đối ngoại…) trong nhiều năm liên tục đã khẳng định sự đầu tư đúng hướng của tòa soạn trong tiếp cận, triển khai và lan tỏa các xu hướng công nghệ báo chí hiện đại, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng nghiệp vụ của người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả và đưa tin tức đến với độc giả chính xác, nhanh nhạy, có hiệu quả.

Phát huy truyền thống Thông tấn xã Việt Nam anh hùng, VietnamPlus với 10 năm hình thành và phát triển đã đóng góp một phần trong những thành tựu rực rỡ và trang sử hào hùng của cơ quan.

Và, với những chuyến hành trình về nguồn, đội ngũ những người làm báo của Báo Điện tử VietnamPlus lại như được tiếp thêm sức mạnh từ những câu chuyện của lớp người đi trước, vững tin hơn nữa trên con đường mình đã chọn trong việc cung cấp thông tin nhanh-đúng-trúng-hay cho độc giả trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục