Hành trình tìm lại dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hun đúc hoài bão lớn

Chủ nghĩa Marx-Lenin và hành trình cứu nước đã chuyển hóa Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc - nhà hoạt động cách mạng quốc tế và Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), một nơi bí mật có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuất dương sang phương Tây với một khát vọng cháy bỏng là tìm đường cứu nước để đem lại tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc.

Bôn ba năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa tìm hiểu bản sắc văn hóa, kinh tế, chính trị của nhiều quốc gia, dân tộc, Người đã hiểu hơn chính Tổ quốc mình và tìm thấy ánh sáng thời đại: Chủ nghĩa Marx-Lenin.

Ánh sáng đó cũng là chân lý dẫn Người tới con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn với Chủ nghĩa xã hội.

Ngày 28/1/1941, Người đã trở về lãnh đạo cách mạng, đưa dân tộc vùng lên, phá ách nô lệ thực dân phong kiến, dẫn dắt nhân dân đấu tranh chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Chủ nghĩa Marx-Lenin và hành trình cứu nước cũng đã chuyển hóa Nguyễn Tất Thành. Từ một thanh niên yêu nước đau đáu trước cảnh đất nước đang chìm trong bóng tối của tầng tầng áp bức nô lệ, Người đã trở thành Nguyễn Ái Quốc - nhà hoạt động cách mạng quốc tế và Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), TTXVN trân trọng giới thiệu chùm 5 bài viết: Hành trình tìm lại dấu chân Người.

Bài 1: Hun đúc hoài bão lớn

Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cách thành phố Vinh khoảng 15km, theo tỉnh lộ 49. Xa xa, đỉnh Đụn Sơn sừng sững soi bóng xuống dòng sông Lam. Dưới chân núi là đền thờ Vua Mai Hắc Đế - người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ của nhà Đường, giải phóng dân tộc. Rất gần làng Kim Liên là nhà của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Khu di tích Kim Liên ở xã Kim Liên là nơi lưu giữ ký ức về quê hương, gia đình, những năm tháng ấu thơ và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã 131 năm, nhưng vẫn kia, mái nhà tranh nhỏ, chiếc võng đưa, những cuốn sách chữ Nho, hàng cây râm bụt, dãy cúc tần, hàng tre xanh rì rào trong gió.

Nơi đây, hoa sen vẫn thắm bông tươi đẹp đến nao lòng, dù sinh ra từ bùn lầy nước đọng. Vẻ đẹp vượt qua hoàn cảnh của loài hoa thanh khiết ấy được xem như phẩm chất hiếm có mang cốt cách con người xứ Nghệ nói riêng và của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất nói chung. Tất cả, thân thương, gần gũi mà thiêng liêng đến lạ kỳ.

Nơi mảnh đất địa linh nhân kiệt này, ngày 19/5/1890, Nguyễn Sinh Cung đã chào đời trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước, thương dân.

[Hội sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước]

Từ niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung sớm ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của cha người uyên thâm và bác ái, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tư tưởng ái quốc, ái dân, chủ trương cải cách và duy tân, lấy dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị xã hội của cụ Phó bảng đã tác động đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng của Người. Người ưu tư trước câu nói của cụ Phó bảng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ,” nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn.”

Những buổi đàm đạo văn chương, bàn luận thế sự của cụ Nguyễn Sinh Sắc với những chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Bùi Danh Trứ… đã nhen nhóm trong lòng Nguyễn Sinh Cung những đốm lửa thời cuộc.

Năm 1904, Nguyễn Sinh Cung chứng kiến cảnh thực dân Pháp và quan lại bắt phu trong vùng hoàn thành gấp rút đoạn đường từ Cửa Rào đi Trấn Ninh. Do đói khát và làm việc quá nặng nhọc, nhiều người đã phải bỏ xác, gây cảnh tang tóc đau thương. Tiếng khóc than oán “Ai đi đến chốn Cửa Rào/Nhớ mang chiếc chiếu bó vào trải ra” càng nung nấu, khơi dậy hoài bão lớn trong tâm khảm Người.

Những tháng ngày theo cha trở lại kinh đô Huế vào mùa hè năm 1906 cũng là những năm tháng cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Ở Huế, Người thấy rõ nhất, đầy đủ và sâu sắc nhất mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc và nhân dân mình.

Tháng 4/1908, nông dân miền Trung rầm rộ tuần hành, biểu tình ở kinh đô Huế chống sưu cao thuế nặng. Trong đoàn người biểu tình có Nguyễn Sinh Cung. Người tự nguyện làm thông ngôn để chuyển lời đấu tranh của đồng bào đến với các ông quan Tây ở Tòa khâm sứ Trung Kỳ.

Hang Cốc Bó, nơi ở và làm việc đầu tiên của đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi về nước ngày 8/2/1941. (Ảnh: TTXVN)

Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu cuộc đời cách mạng của mình kể từ hành động quyết liệt của buổi sáng hôm đó, 11/4/1908. Nhưng cũng từ đó, Người bắt đầu có tên trong hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp.

Năm 1908, Nguyễn Tất Thành vào Trường Quốc học Huế. Tại đây, Người tiếp cận với những tư tưởng cải cách của các sĩ phu yêu nước và được các thầy giáo tân học giảng giải về nền dân chủ và văn minh phương Tây.

Trước những câu chuyện về nước Pháp, Người luôn thích thú nghe và có lần đã hỏi: "Làm sao để qua Pháp xem người Pháp họ sống ra sao?". Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng học Quốc học, tư tưởng và thái độ chống đối của Người đã bị thực dân Pháp theo dõi nên Người đã tự động nghỉ học và ẩn trốn ở Huế một thời gian, rồi cùng người anh cả theo cha vào Bình Định.

Đầu năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết dạy học tại Trường Dục Thanh của Hội Liên Thành. Thời gian này, Người thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời, tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc và có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Khâm phục Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nhưng Người không hoàn toàn tán thành cách làm của họ.

Theo quan điểm của Người, Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách, điều đó chẳng khác nào "xin giặc rủ lòng thương", còn Phan Bội Châu thì hy vọng Đế quốc Nhật Bản giúp đỡ để chống Pháp, điều đó nguy hiểm chẳng khác nào "đuổi hổ cửa trước, rước báo cửa sau."

Nguyễn Tất Thành thấy rằng làm cách mạng theo những lối mòn như vậy dù ở trong nước hay nước ngoài đều thất bại nên phải theo một hướng khác.

Cũng những ngày tháng ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành được đọc Tân Thư bản dịch sang chữ Hán trong tủ sách của gia đình cụ Nguyễn Thông và tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp nên càng nung nấu ý định xuất dương cứu nước.

Vậy là vừa dạy học, vừa đem hết nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước, Người vừa suy nghĩ về con đường sang phương Tây. Những học trò được học với thầy Thành vẫn còn nhớ những bài ca yêu nước của nhà chí sỹ Phan Chu Trinh mà thầy đã truyền bá cho học sinh:

Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc
Mấy ngàn năm khai phá đến nay
Á Âu riêng một cõi này
Giống vàng ta cũng xưa nay một loài

Nhìn nhận về quyết định chọn hướng đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước của Người, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn cho rằng: Không như nhiều người đang tìm đến phương Đông với thuyết “đồng văn, đồng chủng,” ngưỡng mộ “người anh cả da vàng” Nhật Bản và coi chế độ quân chủ lập hiến ở Nhật như là mô hình mới ở châu Á.

Nguyễn Tất Thành tìm đường sang phương Tây, đến với nước Pháp, để tìm hiểu nơi sản sinh ra khẩu hiệu “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” đã từng làm rung động lòng Người khi còn ở tuổi thiếu thời. Để từ đó, tìm ra con đường giúp đất nước, đồng bào thoát khỏi đêm trường nô lệ.

Quyết định đó không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát, mà là sự lựa chọn của lý trí, có tính mục đích rõ ràng, vượt lên tư duy “lối mòn,” là sự kết tinh của lòng yêu nước nồng nàn, trí tuệ sáng suốt và bài học nhận thức từ thực tiễn của phong trào yêu nước đương thời - Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

Sau này tại Liên Xô, trong câu chuyện với nhà thơ Xô Viết Ôxíp Manđenstan, chính Người kể: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy."

Và Người đã quyết định tìm cách đi ra nước ngoài để "xem cho rõ" và sau khi xem xét họ làm ăn ra sao sẽ trở về giúp đồng bào mình./.

Bài 2: Tìm lại dấu chân Người: Gian khó vô cùng nhưng Người vẫn ra đi

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục