Lúi húi xếp hành lý, Hoàng Văn Bình (xã Như Khuê, Lộc Bình, Lạng Sơn) lại chuẩn bị lên đường. Không tiếp tục dự đại học đợt hai hay đi du lịch xả hơi sau kỳ “lai kinh ứng thí” như một số bạn bè cùng trang lứa, Bình đi tìm mẹ…
Dáng người gầy nhẳng, nước da đen đúa, Bình bảo: Thi đại học xong là kết thúc một chặng đường; trước mắt, một hành trình dài đang chờ em. Tuy mới 18 tuổi nhưng ánh mắt Bình chất chứa một nỗi buồn.
Hồi tưởng lại về những ngày còn nhỏ, Bình không giấu nổi đôi mắt đã ngấn nước. Em bảo, từ khi em còn rất bé, bé đến nỗi không nhớ được gì, cha em đã mất đi. Người mẹ đẻ, ngay sau đó, cũng để lại hai đứa trẻ chưa biết gì để ra đi.
Trong một chốc, Bình và cô em gái kém 2 tuổi bỗng trở thành mồ côi.
Nói đến đây, Bình lặng lại. Căn phòng nhỏ tầng 4 ký túc xá Đại học Kinh tế Quốc dân cũng im phăng phắc.
Hai đứa trẻ mồ côi lớn lên trong tình yêu thương của ông nội và sự bao bọc của gia đình người chú. Gia đình làm nông, chú quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lo cho bảy miệng ăn.
“Chú vất vả lắm, suốt ngày tất tả ngược xuôi mà cuộc sống gia đình cũng chẳng dư giả gì,” nói tới đây, giọng Bình bỗng trùng xuống. Em ngồi lặng lẽ, cố nén tiếng thở dài.
Dõi ánh mắt nhìn về phía xa xăm, cậu thí sinh người dân tộc Nùng này kể, nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” ngày một chất chồng, đè nặng lên đôi vai người chú. Bốn đứa trẻ trong gia đình (hai anh em Bình và hai người con của chú) dần lớn lên, chú không chỉ phải lo ăn, lo mặc mà còn phải lo cho lũ trẻ đến trường.
Khó khăn ngày một nhiều mà sức người thì có hạn. Năm Bình học lớp 4, ông nội qua đời. Nỗi đau ập đến với gia đình bé nhỏ ấy khiến người đàn ông duy nhất gánh trọng trách nuôi nấng bốn đứa trẻ trở nên già cỗi hơn.
Bình bảo, ngày ấy, gia cảnh của cả nhà vô cùng khó khăn. Để Bình và em gái có thể tiếp tục việc đi học, người chú đành gửi hai anh em vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lạng Sơn. “Nếu ở nhà với chú, chú có thể nuôi các con ăn nhưng không thể tiếp tục nuôi các con đến trường,” Bình nhớ lại câu nói đầy day dứt cách đây khoảng tám năm của người chú.
Và, thế là, hai anh em Bình gạt nước mắt, chuyển đến ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lạng Sơn. Miệt mài đèn sách, hết cấp hai, Bình là học sinh đầu tiên ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lạng Sơn thi đỗ vào lớp chuyên Hóa của trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn).
Với sức học khá, cậu bé người Nùng Lạng Sơn đã quyết tâm thi vào khoa Kinh Tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngày em đi, các thầy cô ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã hỗ trợ Bình một số tiền nhỏ để chi tiêu những ngày ở thủ đô. Ngoài ra, hàng trang trong chiếc balo đã sờn rách và bạc phếch của em, ngoài tập sách ôn, chỉ là gần chục lốc sữa.
Mặc dù vậy Bình vẫn quyết tâm hết sức trong kỳ thi quan trọng của mình.
“Em luôn cố gắng học thật tốt bởi mọi người bảo, đó là con đường để thoát nghèo và giúp đỡ chú,” nói tới đây, đôi mắt thí sinh vùng cao bỗng sáng lên đầy hy vọng.
Suốt những năm tháng tuổi thơ khó nhọc, điều làm cậu bé ám ảnh nhất không phải là những bữa cơm đạm bạc, sự thiếu thốn về vật chất mà là câu hỏi: “Tại sao mẹ bỏ hai anh em đi giữa lúc cả hai còn thơ bé? Tại sao từ ngày ấy, không một lần mẹ trở lại thăm hai anh em?”
“Trong cơn mơ, có lúc em giật mình thức dậy với câu hỏi ấy, tâm trạng đầy hoảng hốt, hụt hẫng như vừa bước hụt xuống một vực sâu,” Bình tâm sự.
Theo thời gian, nó xoáy sâu vào lòng cậu bé, hình thành trong đó một nỗi đau thường trực.
Bởi vậy ngay khi kết thúc môn thi cuối cùng kỳ thi Đại học 2014, cậu bé quê Lạng Sơn đã xác định: “Em muốn tìm câu trả lời. Mẹ không về thăm em thì em sẽ đi tìm mẹ. Qua nhiều người, em đã biết huyện mẹ em đang ở. Mặc dù chưa biết sẽ nói gì, nhưng chắc chắn em sẽ tới tận nơi.”
Thắp sáng ngọn lửa sẻ chia
Trong kỳ thi đại học 2014, biết được hoàn cảnh đặc biệt của Bình, rất nhiều tấm lòng nhân ái đã chung tay để sẻ chia với em. Ngay khi thí sinh Lạng Sơn này xuống Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã hỗ trợ toàn bộ chỗ ở, suất ăn trong suốt thời gian em dự thi. Bên cạnh đó, các thầy, cô trong khoa cùng các cựu sinh viên, các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã gửi quà, tiền để san sẻ vất vả và làm chút lộ phí cho hành trình đi tìm người mẹ đẻ của em.
Cũng giống như cậu bé người Nùng Lạng Sơn, rất nhiều trường hợp thí sinh gặp khó khăn khác đã được cộng đồng dang rộng vòng tay giúp đỡ.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong buổi chia tay với những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt sau đợt thi đầu tiên đã không kìm được xúc động. Với thầy, “những món quà gửi tới các em, dù giá trị kinh tế không lớn nhưng tình cảm bao trùm bên trong thì vô cùng ấm áp.” Đó cũng sẽ là những hành trang quan trọng để các em vững bước hơn trên con đường sau này.