Hành trình bảo vệ ngôi vương đầy gian nan của tuyển Đức

Vị trí chủ công của tuyển Đức đang là vấn đề đáng lo ngại bởi Timo Werner rất tài năng, nhưng anh còn quá trẻ, và khả năng chịu sức ép ở các trận đấu lớn vẫn còn là dấu hỏi.
Hành trình bảo vệ ngôi vương đầy gian nan của tuyển Đức ảnh 1Các cầu thủ đội tuyển Đức trong buổi luyện tập tại trung tâm thể thao Vatutinki, ngoại ô Moskva, Nga ngày 15/6. (Nguồn: EFE-EPA/TTXVN)

Là đương kim vô địch của World Cup, nhưng đội tuyển Đức sẽ phải trải qua một chặng đường đầy chông gai nếu muốn bảo vệ thành công ngôi vô địch.

Những khó khăn ấy không chỉ đến từ các đối thủ đều mạnh hơn và khát khao hơn, mà còn đến từ những vấn đề nội bộ của đội bóng. Mỗi đội tuyển tham dự World Cup đều có những vấn đề riêng.

Đội tuyển Đức dù vẫn là đội có lực lượng đồng đều nhất giải, nhưng không phải không có điểm yếu. So với 4 năm trước, những vấn đề của họ đang gây quan ngại cho người hâm mộ "Cỗ xe tăng."

Đầu tiên, vẫn là một vấn đề cũ mà mới, đó là vị trí chủ công. Thật ra vấn đề này đã bộc lộ từ năm 2014, khi Đức phụ thuộc nhiều vào “ông già gân” Miroslav Klose.

Nhưng khi đó, Klose đã có phong độ chói sáng, phá kỷ lục ghi bàn nhiều nhất ở World Cup. Còn bây giờ, khi Klose đã giải nghệ, Đức vẫn chưa thể tìm được một trung phong vừa ý.

Timo Werner rất tài năng, nhưng vấn đề là anh còn quá trẻ, và khả năng chịu sức ép ở các trận đấu lớn vẫn còn là dấu hỏi. Ngoài Werner, Đức còn Mario Gomez, cái tên đã 33 tuổi và đã qua thời kỷ đỉnh cao phong độ từ rất lâu. Nếu Werner chấn thương, sẽ là một bài toán tương đối hóc búa cho huấn luyện viên Joachim Löw.

Rất nhiều lần người Đức sử dụng sơ đồ tiền đạo ảo, nhưng họ đều tỏ ra bế tắc vì không có một mũi nhọn thật sự, mà điển hình nhất là tại Euro 2016, khi họ thất thủ trước Pháp với tỷ số 0-2 tại vòng Bán kết. Đó là trận đấu mà Đức không có một trung phong nên đã không thể gây được sức ép đủ lớn lên khung thành thủ mô Hugo Lloris.

Vấn đề thứ hai là phong độ của Marco Reus tại giải đấu này. Đúng là Reus đã trở lại từ đầu năm nay và chơi bùng nổ. Nhưng vấn đề là ở một giải đấu khốc liệt như World Cup, liệu đôi chân "pha lê" của Reus có lành lặn đến hết giải? Việc ông Löw sử dụng Reus cũng có thể ví như một canh bạc. Với tiền sử chấn thương nhiều năm qua, Reus có thể rời sân bất cứ lúc nào.

Tiếp nữa, đó là vị trí hậu vệ cánh phải. Đến thời điểm này, Đức vẫn chưa có ai đủ khả năng thay thế Philip Lahm ở vị trí này, dù Joshua Kimmich đã có mùa giải xuất sắc với Bayern Munich. Hậu vệ cánh là vị trí rất cần kinh nghiệm và khả năng phán đoán. Đáng tiếc là Kimmich chưa đủ "giờ bay" trên đội tuyển để có thể được coi là người thay thế xứng đáng của Lahm.

Phong độ của một số trụ cột cũng là một vấn đề của Đức. Trừ Toni Kroos, phần lớn các cầu thủ Đức đều không thực sự có được phong độ cao. Thomas Mueller, Jerome Boateng, Hummels thì không còn giữ được phong độ chói sáng như 4 năm trước, Neuer vừa trở lại sau khi nghỉ cả mùa vì chấn thương.

Hành trình bảo vệ ngôi vương đầy gian nan của tuyển Đức ảnh 2Các cầu thủ đội tuyển Đức chụp ảnh chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) tại Eppan, Italy ngày 3/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chưa kể, Mesul Oezil vẫn đang gặp chấn thương, và anh cũng không có mùa giải thành công với Arsenal. Việc các cầu thủ có đạt điểm rơi phong độ vào đúng dịp hay không sẽ là yếu tố quyết định đến thành công của tuyển Đức.

Cuối cùng là khát vọng thi đấu. Ai cũng biết sau khi lên đến đỉnh cao, thì sẽ xuất hiện cảm giác thỏa mãn. Đội Đức cũng không là ngoại lệ. Liệu các cầu thủ Đức có còn khát vọng và quyết tâm lên ngôi một lần nữa ở Nga hay không? Hay sẽ sụp đổ như cách mà Tây Ban Nha đã trải qua vào năm 2014, Pháp với sự xấu hổ của năm 2002?

Theo các chuyên gia, thật ra những vấn đề mà Đức đang đối mặt chưa ở mức nghiêm trọng. Dù thế nào thì họ vẫn là tập thể đang được đánh giá cao nhất trong 32 đội tuyển tới Nga lần này.

Những vấn đề của tuyển Đức có thể ví như các cơn hắt hơi sổ mũi, nhưng rất nhiều biến chứng nguy hiểm bắt nguồn từ căn bệnh "vặt" này nếu không được chữa trị dứt điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục