Sau 9 năm hoạt động, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em "Phím số diệu kỳ 1800567" đã tiếp nhận và xử lý gần 1,3 triệu cuộc gọi từ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong số đó, hơn 186.000 cuộc gọi tư vấn, 6.649 cuộc gọi kết nối và đặc biệt đã có 2.600 trường hợp trẻ em được can thiệp, trợ giúp các dịch vụ khẩn cấp.
Đây là thông tin được Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong buổi hội thảo “Báo chí với đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em”. “Giải thoát” trẻ bị bạo hành, xâm hại Trong số hơn 2.600 ca can thiệp, hỗ trợ của đường dây 18001567 thì gần 50% các ca liên quan đến xâm hại tình dục, trong đó có nhiều trường hợp trẻ em gái mới chỉ 3, 4 tuổi. Trong 3 năm 2010-2012 số cuộc gọi của người trên 18 tuổi quan tâm về các vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em nhiều hơn từ năm 2009 về trước, điều này cho thấy xã hội đã có những phản ứng tích cực trước các vấn đề này. Anh Nguyễn Đức Trung (phòng chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết đường dây tư vấn hỗ trợ đã kịp thời thông tin với các cơ quan chức năng để can thiệp và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh trẻ em bị xâm phạm nghiêm trọng trong thời gian qua. Anh Trung kể lại, trường hợp bé gái H (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bị xâm hại tình dục nhiều lần, dẫn đến mang thai 14 tuần mà các cán bộ địa phương không hề biết. Thông tin về em H chỉ đến với phòng chăm sóc và bảo vệ trẻ em qua đường dây 19001567. Các tư vấn viên đã liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để thông tin về vụ việc và yêu cầu xác minh, can thiệp giải quyết. Khi đến gặp em H để xác minh, anh Trung phát hiện tâm lý H đang rất khủng hoảng và muốn tự tử vì bị gia đình mắng chửi, bạn bè và hàng xóm kỳ thị mặc dù em chỉ là nạn nhân. Không những thế, kẻ xâm hại em cũng tìm mọi cách trực tiếp và gián tiếp để liên tục đe dọa em. Ngay sau khi gặp em T, cán bộ phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tạm thời đưa em về nhà tạm lánh để tư vấn, trị liệu tâm lý cho em và nói chuyện để gia đình em hiểu rõ các vấn đề cần giải quyết. “Ngay trước ngày diễn ra phiên xét xử, thông tin em H không có luật sư bào chữa cũng chỉ được chúng tôi biết đến qua đường dây tư vấn chứ không phải qua các cán bộ cơ sở. Chiều ngày hôm đấy, chúng tôi đã thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho em H trong phiên xét xử,” anh Trung nói Theo anh Trung, những thông tin về xâm hại, bạo hành lại thường biết đến nhanh nhất và sớm nhất qua đường dây nóng chứ không phải qua các cán bộ địa phương. Những trường hợp trẻ em bị lợi dụng sức lao động cũng được can thiệp nhanh chóng qua đường dây tư vấn. Hai em T và N (16 tuổi, quê ở Thanh Hoá và Nghệ An) làm tạp vụ cho một cửa hàng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Các em phải làm việc từ sáng tới tối và liên tục 5 tháng không được trả lương. Cuối năm 2012, các em bị chủ nhà hàng đuổi đi và lấy lý do tiền công trừ vào tiền làm vỡ bát đĩa suốt thời gian làm việc đến thời điểm bị đuổi. Khi các em liên hệ với đường dây, các tư vấn viên đã kết nối với phòng lao động-thương binh và xã hội quận Thanh Xuân để can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho các em. Chủ nhà hàng đã phải hoàn trả tiền công cho T và N. Các em còn được bố trí ở nhà tạm lưu trú của phường Thanh Xuân Bắc và đã được gia đình đón về... Hướng tới trẻ dễ bị tổn thương
Đó chỉ là một vài ví dụ về những trường hợp trẻ được giúp đỡ thông qua đường dây tư vấn. Có thể nói, “Phím số diệu kỳ” ra đời đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế những tổn thương cho trẻ em, giúp trẻ em có điều kiện phát triển tốt về tinh thần và thể chất.
Đó chỉ là một vài ví dụ về những trường hợp trẻ được giúp đỡ thông qua đường dây tư vấn. Có thể nói, “Phím số diệu kỳ” ra đời đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế những tổn thương cho trẻ em, giúp trẻ em có điều kiện phát triển tốt về tinh thần và thể chất.
Trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa sẽ là mục tiêu hướng đến của “Phím số diệu kỳ” thời gian tới.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
“Đường dây tư vấn và hỗ trợ tiếp cận đến từng trẻ em có nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ thông qua việc xử lý các cuộc gọi và giải quyết các trường hợp cần cap thiệp khẩn cấp. Quan trọng hơn, Phím số diệu kỳ đã tạo ra một mạng lưới phối hợp, kết nối giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị-xã hôi, tổ chức phi chính phủ nhằm bảo vệ trẻ em một cách có hiệu quả,” Cục Trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ông Nguyễn Hải Hữu nhận định.
Theo Trưởng tổng đài tư vấn chị Hoàng Lê Thủy, một trong những mục tiêu quan trọng của 18001567 là hướng tới nhóm trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ đường phố, trẻ lao động sớm và trẻ thuộc nhóm dễ bị tổn thương. “Để thực hiện được mục tiêu này, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tăng cường truyền thông trực tiếp, tạo các trường dân tộc nội trí, các trung tâm giáo dưỡng để các em biết tới một dịch vụ thân thiện dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn.” chị Hoàng Lê Thủy nói. Không phụ tấm lòng của những người thực hiện, nếu như trong 5 năm đầu đường dây tư vấn hoạt động chỉ có 1,32% trong tổng số các cuộc gọi là đến từ trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa thì trong 4 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ này đã tăng lên 5,86%. Điều này cho thấy, tổng đài 18001567 đang từng bước tiến gần lại mục tiêu tiếp cận với nhóm trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu và vùng xa. Sau 9 năm hoạt động, những hiệu quả thiết thực của đường dây tư vấn mang lại khiến nhiều tỉnh, thành phố đã mạnh dạn triển khai mô hình này. Ông Nguyễn Hải Hữu cho biết: “Mô hình tư ván, hỗ trợ trẻ em 18001567 đang dần được nhân rộng. Một số tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Đà Nẵng… đã thiết lập những đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em riêng để có thể đáp ứng được nguyện vọng được lắng nghe, chia sẻ và bảo vệ của trẻ em. Hy vọng trong tương lai, sẽ càng có nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em được lồng ghép thực hiện hiệu quả.”/.
Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí tại Việt Nam “Phím số diệu kỳ” được thiết lập năm 2004 . Với việc thành lập đường dây này, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 52 của tổ chức điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em quốc tế (CHI).
Mọi trẻ em từ 63 tỉnh thành trong cả nước đều có thể gọi điện thoại miễn phí đến tổng đài 18001567 để chia sẻ thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý, tinh thần. Đặc biệt, đường dây còn có thể giới thiệu, kết nối với các cơ quan chức năng, các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp khi cần thiết.
Người lớn cũng có thể gọi đến tổng đài 18001567 để tìm kiếm thông tin liên quan đến vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc các trợ giúp liên quan đến thực hiện quyền trẻ em./.
|
Hồng Kiều (Vietnam+)