Hành trình 70 năm tự hào của tờ Báo Ảnh mang tên đất nước

Trong suốt hành trình 70 năm hình thành và phát triển, Báo Ảnh Việt Nam vẫn luôn là một cuốn "biên niên sử" bằng ảnh khắc họa chân thực và sinh động hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Cách đây 70 năm, chỉ 5 tháng sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 5 ngày sau khi Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chỉ thị xuất bản tờ Hình ảnh Việt Nam (tiền thân của Báo Ảnh Việt Nam hiện nay).

Ấn phẩm giới thiệu bằng hình ảnh với bạn bè thế giới về chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng và sự nghiệp của nhân dân ta trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

biên niên SỬ BẰNG HÌNH ẢNH

Ngày 15/10/1954, tờ Hình ảnh Việt Nam số đầu tiên chính thức ra mắt bạn đọc trong nước và quốc tế, đánh dấu sự ra đời của một tờ báo đối ngoại bằng hình ảnh đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, tờ báo được mang tên đất nước - Báo Ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam) đã xuất bản được 789 số với hơn 50 triệu bản gửi tới bạn đọc hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những trang bìa đầu tiên của tờ Hình ảnh Việt Nam năm 1954.

Trong suốt hành trình 7 thập niên, Báo Ảnh Việt Nam vẫn luôn như một cuốn biên niên sử bằng ảnh khắc họa chân thực và sinh động hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Theo Tổng Biên tập Nguyễn Thắng, ngay ở số xuất bản đầu tiên tháng 10/1954, tờ Hình ảnh Việt Nam đã đăng ở bìa 1 hình ảnh anh Vệ Quốc đoàn vào giải phóng Thủ đô bế trên tay một em bé. Tấm hình giản dị nhưng đầy ý nghĩa đã gửi thông điệp ấy đến toàn thế giới khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của dân tộc Việt Nam anh hùng đã phải trải qua những năm dài chiến tranh chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Biên tập Nguyễn Thắng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Qua những số báo đầu tiên, Hình ảnh Việt Nam đã giới thiệu với bạn đọc khắp năm châu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam, một chiến thắng vĩ đại chấn động địa cầu.

Những năm tháng từ 1954 đến khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, ngày 30/4/1975, hình ảnh của cuộc chiến đấu ngoài tiền tuyến và hình ảnh lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa ở hậu phương luôn được đăng tải đầy đủ, sinh động trên Báo Ảnh Việt Nam.

“Nhiều phóng viên của chúng tôi đã tay máy, tay súng ra mặt trận và có người đã anh dũng hy sinh, nhưng những bức ảnh, những bài báo của họ để lại đã giúp thế giới thấy được sự ác liệt của chiến tranh, sự chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng để bảo vệ độc lập tự do của quân dân Việt Nam,” Tổng Biên tập Nguyễn Thắng cho biết.

Những hình ảnh gây xúc động lòng người được đăng tải trên Báo Ảnh Việt Nam và chuyển tới bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp thế giới đã góp phần dấy lên phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Quảng bá Việt Nam bằng 10 ngôn ngữ

Trong suốt hành trình 70 năm, Báo Ảnh Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm. Từ giai đoạn hoàng kim với vị thế độc tôn của tờ báo ảnh duy nhất làm công tác tuyên truyền đối ngoại đa ngữ của Đảng và Nhà nước, Báo Ảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn vô vàn khó khăn thử thách, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường, kinh phí dành cho tờ báo bị hạn chế.

Báo Ảnh Việt Nam hiện phục vụ độc giả bằng 10 ngôn ngữ.

Theo Tổng Biên tập Nguyễn Thắng, dù ở giai đoạn nào, các thế hệ những người làm Báo Ảnh Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Báo Ảnh Việt Nam như một cuốn “biên niên sử” bằng ảnh khắc họa chân thực, sinh động vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam, là những tư liệu vô giá về tất cả các lĩnh vực, mọi khía cạnh của cuộc sống cho các thế hệ mai sau.

Từ địa đầu Móng Cái đến Mũi Cà Mau, từ nơi biên cương xa xôi đến những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… nơi đâu cũng in dấu chân của phóng viên Báo Ảnh Việt Nam.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Báo Ảnh Việt Nam lại có bước chuyển mới trong công tác thông tin đối ngoại, tích cực giới thiệu một Việt Nam thân thiện, mến khách, phát triển năng động, mạnh mẽ với chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng và là bạn, đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới.

Ống kính của lớp lớp thế hệ phóng viên Báo Ảnh Việt Nam đã ghi lại hàng triệu bức ảnh để làm nên hàng trăm ngàn trang báo sinh động, hấp dẫn và chân thực về mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. (Ảnh: BAVN)

Bắt nhịp với sự phát triển của đời sống xã hội hiện nay, ngoài các chuyên trang, chuyên mục thế mạnh về phong cảnh, đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, Báo ảnh Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục mới mang tính cập nhật và chuyên sâu về các vấn đề quan trọng, nổi bật của đất nước, cũng như vấn đề tôn giáo, nhân quyền, biển đảo, biên giới… luôn được cập nhật, đăng tải kịp thời, đầy đủ, hấp dẫn và sinh động bằng 10 ngôn ngữ trên cả báo in và báo điện tử.

Dù ở giai đoạn nào, các thế hệ những người làm Báo Ảnh Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thắng.

Có thể khẳng định rằng thông tin bằng ảnh và đa ngữ là thế mạnh lớn nhất của Báo ảnh Việt Nam để đưa các thông tin và hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam” đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Báo Ảnh Việt Nam được giao nhiệm vụ là Tạp chí đối ngoại quốc gia mang tầm khu vực và thế giới. Đây là sự khẳng định lại một lần nữa nhiệm vụ thông tin đối ngoại mà Báo ảnh Việt Nam đã và đang thực hiện trong suốt 70 năm qua.

“Chặng đường 70 năm của Báo ảnh Việt Nam thật nhiều thành công nhưng cũng không ít gian lao. Báo Ảnh Việt Nam hôm nay có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên được đào tạo bài bản, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ vững vàng, nhiệt huyết, đam mê, sẵn sàng dấn thân vì nghề, đoàn kết một lòng. Vì vậy, chúng tôi luôn tin tưởng chắc chắn rằng nhiệm vụ được giao dù khó khăn đến đâu cũng sẽ hoàn thành, xứng đáng là tờ báo có truyền thống làm công tác thông tin đối ngoại của quốc gia,” Tổng Biên tập Nguyễn Thắng nhấn mạnh.

Một buổi kiểm tra, chỉnh sửa maquette báo in của Phòng Tòa soạn. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Chia sẻ cảm nhận về Báo ảnh Việt Nam, bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage – FVH) cho rằng đây là tờ báo có nhiều thế mạnh về ngôn ngữ và hình ảnh, có thể đi vào lòng người bởi cách làm thông tin hình ảnh cô đọng và sinh động.

Bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội Những người bạn của di sản Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Tôi thích xem ảnh về con người và các di tích văn hóa lịch sử trên Báo Ảnh Việt Nam. Thông qua các câu chuyện, tôi hiểu hơn về Hà Nội, về Việt Nam. Tôi thường tham khảo Báo ảnh Việt Nam để giới thiệu thông tin cho du khách quốc tế trải nghiệm về văn hóa, khám phá những danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội. Qua mỗi bức ảnh trên Báo Ảnh Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam sẽ được truyền tải đến bạn đọc ấn tượng nhất,” bà Stella Ciorra bày tỏ.

Viết tiếp những trang sử Báo ảnh Việt Nam

Tại Báo Ảnh Việt Nam, ở thời kỳ nào cũng vậy, phòng Tòa soạn và Phóng viên được coi là “phòng xương sống,” quyết định sự sống còn của tờ báo bởi đây chính là nơi cho ra đời những sản phẩm đối ngoại hấp dẫn, chất lượng. Đằng sau mỗi bức ảnh, mỗi bài viết là sự tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Nếu như anh em phòng Phóng viên phải trăn trở để tìm cho ra được đề tài hấp dẫn, phải xông xáo và lăn lộn tại hiện trường để thực hiện thật tốt các đề tài, thì các biên tập viên ngữ cũng có một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó là biến những câu chuyện đó thành những tác phẩm đa ngôn ngữ.

Lãnh đạo Báo Ảnh Việt Nam trình bày nội dung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)

Để làm được điều đó, các biên tập viên không chỉ phải đảm bảo thông điệp được truyền tải một cách chính xác và hiệu quả, mà còn phải lựa chọn từ ngữ, văn phong, hình ảnh sao cho phù hợp với từng đối tượng bạn đọc nước ngoài bởi mỗi một dân tộc có nền văn hóa riêng và có cách tiếp nhận thông tin khác nhau.

Theo bà Đặng Thị Thu Huyền, Trưởng Phòng Tòa soạn-Báo Ảnh Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống 70 năm làm thông tin đối ngoại, Báo ảnh Việt Nam hôm nay có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên đa phần đều trẻ, được đào tạo bài bản, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ vững vàng, nhiệt huyết, đam mê, sẵn sàng dấn thân vì nghề, đoàn kết một lòng.

Nhiều tác phẩm của phóng viên, biên tập viên Báo Ảnh Việt Nam đã giành được các giải thưởng báo chí quốc gia và khu vực.

Bà Đặng Thị Thu Huyền khẳng định đây cũng chính là động lực lớn nhất giúp những người làm Báo Ảnh Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như chủ động tìm tòi, sáng tạo.

Những phản hồi tích cực của bạn đọc năm châu như tiếp thêm động lực cho những người đã và sẽ làm sứ mệnh đưa hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhờ đó, mỗi tổ ngữ trong phòng đã trở thành một “tiểu tòa soạn” với các biên tập viên là những nhà báo đa năng, chủ động sản xuất thông tin bằng ngữ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả trong kỷ nguyên số, tiếp nối truyền thống đáng tự hào là nơi đào tạo phóng viên thường trú nước ngoài ở khắp năm châu.

“Chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng, nhiệm vụ được giao dù khó khăn đến đâu cũng sẽ hoàn thành, xứng đáng là tờ báo có truyền thống làm công tác thông tin đối ngoại chính thức của đất nước trong gần 2/3 thế kỷ và sẽ là tờ báo đối ngoại quốc gia mang tầm khu vực và thế giới như mong muốn và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, cũng như của Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam,” bà Đặng Huyền cho biết.

“Tháng năm đi cùng tên đất nước, Báo ảnh mãi giữ trọn, chia sẻ cùng bè bạn năm châu, những tin vui, thành tựu nước nhà. Kỷ niệm xưa in dấu ấn, những hình ảnh thắm tươi, con tim nóng, ánh mắt rạng ngời, ngôn ngữ truyền đi khắp muôn nơi...”

Những ngày này, giai điệu vui tươi hào hùng của bài ca “Báo ảnh trọn niềm tin” lại vang vọng trong tâm trí của mỗi thành viên Báo Ảnh Việt Nam, khi họ tự hào nhìn lại hành trình 70 năm ngày ra số báo đầu tiên (15/10/1954)-15/10/2024), đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế./.

Báo Ảnh Việt Nam có bản in 64 trang với 4 ngữ: Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Lào phát hành tới hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng 24.000 bản/tháng.

Báo Ảnh Việt Nam điện tử phát mạng 10 ngữ với khoảng 20 triệu lượt bạn đọc từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới truy cập thường xuyên.

Báo Ảnh Việt Nam có hai ấn phẩm phụ là: Ấn phẩm Đẹp ra hàng tháng mang đến cho bạn đọc những nét đẹp nhân văn trong đời sống văn hóa, thời trang và giải trí; Thời báo Việt Hàn - tờ báo chính thống bằng tiếng Triều Tiên tại Việt Nam, phát hành hằng tuần phục vụ nhu cầu thông tin cho khoảng 150.000 công dân Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp to lớn trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, Báo Ảnh Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1994), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009) và Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2014).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục