Hành trình 45 năm TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiên phong đổi mới

Từ khi có đường lối đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phấn đấu để xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao, gấp 1,5-2 lần cả nước, đóng góp lớn vào ngân sách cả nước.
Hành trình 45 năm TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiên phong đổi mới ảnh 1Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Có thể nói, cùng với truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực tiễn sinh động của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đề xuất táo bạo với Trung ương để được thí điểm, rồi nhân rộng ra cả nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Điểm sáng về kinh tế

Từ khi có đường lối đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phấn đấu để xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao, gấp 1,5-2 lần cả nước; đồng thời đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước.

Tròn 35 năm qua từ khi đường lối đổi mới, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Trung ương và của Đảng bộ Thành phố đã làm nên nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong đó, thành tựu lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh trong 35 năm qua là chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng điều này thể hiện trên một số nội dung như chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế bung ra sản xuất kinh doanh, làm cho hàng hóa dồi dào trở lại, chấm dứt lạm phát phi mã trước đó.

Hành trình 45 năm TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiên phong đổi mới ảnh 2Xưởng lắp ráp máy thu hình National (Sài Gòn) tiếp tục hoạt động phục vụ nhu cầu của nhân dân sau ngày giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chuyển từ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch Nhà nước sang cơ chế thị trường, các doanh nghiệp hoạt động theo quy luật thị trường, hàng hóa lưu thông tự do, không còn ngăn sông, cấm chợ. Mở cửa với thị trường nước ngoài, khuyến khích thu hút đầu tư hợp tác quốc tế, Nhà nước không còn độc quyền ngoại thương.

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng cao nhất cả nước, trong nhiều năm qua luôn duy ở mức trên 8%, cả nhiệm kỳ 2015-2020 đạt mức tăng bình quân trên 8%. Qua đó, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng Thành phố đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%.

[Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình]

Đánh giá về các thành tựu phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) nhấn mạnh quy mô kinh tế của thành phố giờ đây còn lớn hơn của Việt Nam từ năm 2005 về trước, thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực.

Đặc biệt, các yếu tố nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng của thành phố, trong đó đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) liên tục tăng gấp hơn 2,6 lần. Bình quân đầu người gấp 2,4 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao.”

Sản xuất nông nghiệp dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, năng suất cao gấp 3 lần bình quân cả nước cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực ngoài Nhà nước phát triển mạnh, đóng góp 63% kinh tế thành phố góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong các dự án có dự án tốt, phát huy hiệu quả như khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, diện mạo thành phố có nhiều đổi thay, ngày càng xanh, sạch, đẹp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất bình quân cả nước.

Phát huy thế mạnh của trung tâm kết nối khu vực, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tỷ trọng hợp lý với khu vực dịch vụ liên tục giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP, năm 2020 ước đạt 62,13%; khu vực công nghiệp-xây dựng năm 2020 ước đạt 24,61%; khu vực nông lâm thủy sản năm 2020 chiếm 0,66%.

GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 49,2 tỷ USD.

Cùng cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, như thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường bất động sản; thị trường hàng hóa, khoa học và công nghệ; thị trường lao động.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; vị trí, vai trò của thành phố đối với cả vùng và cả nước ngày càng được khẳng định, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đóng góp cho hình thành và hoàn thiện thể chế

Nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn sinh động của Thành phố Hồ Chí Minh đã được ban hành và thực hiện thành công.

Hành trình 45 năm TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiên phong đổi mới ảnh 3Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đặc biệt, Thành phố đã có những đóng góp quan trọng vào sự hình thành và hoàn thiện thể chế chính sách vận hành kinh tế thị trường ở nước ta. Từ sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh là một đầu tàu kinh tế, có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là nơi có nhiều đề xuất, đóng góp xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn sinh động và đòi hỏi của cuộc sống.

Không cam chịu tình trạng thiếu hàng hóa và ách tắc trong phân phối lưu thông, Thành phố đã tìm cách bung ra sản xuất theo yêu cầu, theo năng lực và tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, góp phần chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Với tinh thần đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) về tư duy thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế sản xuất hành hóa nhiều thành phần…

Cùng với yêu cầu thực tiễn cuộc sống của kinh tế thành phố, năm 1989, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó chính là khuôn khổ pháp lý ban đầu tại niềm tin cho kinh tế tư nhân, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển một cách hợp pháp.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi xuất phát các ý tưởng về các mô hình kinh tế, rồi được thí điểm và nhân rộng ra cả nước. Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung để hướng đến nền kinh tế xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở.

Sau quá trình chuẩn bị địa điểm và lựa chọn đối tác nước ngoài đầu tư, đến tháng 9/1991, Khu Chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước đã được thành lập.

Đáng chú ý, các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố cũng là nơi đầu tiên áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ” cho thấy hiệu quả rõ rệt trong cải cách hành chính thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp, chỉ còn 1/3 so với thông thường.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi khởi phát ý tưởng cũng như triển khai các mô hình thí điểm về thành lập Trung tâm Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, sau đổi thành Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thị trường vốn, quỹ đầu tư phát triển đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh cũng nơi đầu tiên triển khai khu đô thị mới, thay đổi tư duy trong phát triển đô thị theo hướng hiện đại.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước và trục đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường vành đai hiện đại, kết nối với khu vực phía Nam thành phố các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh cho sự đột phá của thành phố trong công tác quản lý phát triển đô thị.

Theo ông Phạm Chánh Trực, sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh là tiêu điểm của mọi thay đổi: từ chiến tranh sang hòa bình, từ chia cắt phân ly sang thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc. Nhưng trước mắt là nạn đói và nạn thất nghiệp đe dọa thành phố hằng ngày. Cơ chế nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp đang làm suy kiệt đất nước sau chiến tranh.

Trong khi đó cuộc cấm vận bao vây kinh tế càng làm cho nhân dân thêm điêu đứng, sản xuất kinh doanh đình đốn, công nhân lao động thất nghiệp tràn lan, gạo và thực phẩm thiếu hụt mặc dù Thành phố nằm trên vựa lúa Nam Bộ.

Trước thực tiễn đó, lãnh đạo Thành phố mà tiên phong là đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh đã "xé rào,, "bung ra" và vượt qua rào cản quy định luật pháp tháo gỡ cho sản xuất lưu thông bằng kế hoạch B,C...

Từ đó ánh sáng "đổi mới tư duy" lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, chuyển thành quan điểm tư tưởng trong đường lối chiến lược của Đảng ta. Cũng như thế, suốt 35 năm qua Thành phố đã không ngừng đề ra sáng kiến, không ngừng tổ chức hoạt động, tổ chức phong trào, tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Qua thực tiễn quá trình phát triển các thành phần kinh tế ở thành phố, có thể nhận thấy sự kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong những năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với sự vận động khách quan của kinh tế thị trường và đang nâng dần vị trí, vai trò của Thành phố trong quá trình hội nhập của kinh tế khu vực và thế giới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục