Hành trình 23 năm về quê Bác của nhà báo Nga

Cựu phóng viên chiến trường TASS tại Việt Nam Sergey Aphonin đã chờ 23 năm mới thực hiện được “mơ ước cuối đời” về thăm quê Bác.
Cựu phóng viên chiến trường TASS tại Việt Nam thời chống Mỹ Sergey Aphonin đã chờ đợi từ năm 1987 tới nay mới thực hiện được “mơ ước cuối đời” là về thăm lại quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5 này, ông vinh dự được tham gia hội thảo quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay" tại Hà Nội nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người.

Gặp lại phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại khách sạn Bảo Sơn (Hà Nội) sau chuyến đi Nghệ An, ông Aphonin thốt lên đầy thán phục bằng một thứ tiếng Việt rất chuẩn: “Tuyệt vời, tuyệt vời! Quê Bác đổi thay nhiều quá. Tôi vẫn còn lưu trong đầu hình ảnh thành Vinh là đống gạch vụn hồi chiến tranh, thế mà bây giờ đã là một thành phố đẹp và có quy hoạch bài bản. Tôi thích nhất quảng trường mang tên Bác…”

Với Việt Nam, nhà báo Aphonin là người có tình cảm sâu đậm đặc biệt. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh của ông và bà Lyudmila Aphonina - “một nửa” của ông - tại cuộc gặp mặt của nhóm công dân Nga từng có thời gian gắn bó với mảnh đất hình chữ S tại nhà hàng Nem's ở quận Tây Nam của thủ đô Mátxcơva vào mùa Xuân năm 2009.

Hai người nhiệt liệt ủng hộ ý tưởng thành lập Hội những người Nga yêu Việt Nam tại Mátxcơva. Tôi cũng cảm thấy rất rõ tình yêu Việt Nam của ông bà trong căn hộ nhỏ hai buồng ngủ của họ ở tít ngoài đường vành đai thành phố. Tại đó, những kỷ vật về đất nước Việt Nam chiếm vị trí trang trọng nhất, nổi bật nhất. Ông bà, cả hai đã nghỉ hưu từ lâu, không ít lần quả quyết rằng đó chính là tài sản quý giá nhất của họ.

Ông Aphonin là một trong số những người Nga hiếm hoi tự nhận “tiếng Việt đã ngấm vào máu.” 23 năm không có dịp quay lại Việt Nam, 22 năm không làm công việc cần đến ngoại ngữ nhưng trình độ tiếng Việt của ông vẫn rất “siêu.”

Ông cho biết: “Tôi nói tiếng Việt tốt là vì đã được Bác Hồ dặn dò.” Câu chuyện xảy ra năm 1961, khi ông Aphonin đang thực tập tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và làm phiên dịch vụ việc cho Đại sứ quán và Cơ quan Thương vụ Liên Xô tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên ông gặp Bác Hồ.

Ông nhớ lại: “Một lần, vào buổi chiều, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trong phòng chiếu phim (ở Thương vụ) bước ra, Bác nhìn thấy tôi và đến bên tôi, Bác hỏi bằng tiếng Nga: Cháu có nói được tiếng Việt không? Tôi nhỏ nhẹ thưa với Bác: Dạ, thưa Bác! Cháu cũng biết một chút ạ! Bác ân cần hỏi tôi: Cháu có thích ở đây không? Tôi trả lời Bác: Thưa Bác, cháu rất thích ạ! Cháu rất yêu đất nước và con người Việt Nam. Bác mỉm cười và nói với tôi bằng tiếng Việt khi chia tay: Cháu nên học thật nhiều để nói tiếng Việt cho tốt, chúc cháu thành công..."

Sau này, ông Aphonin còn có dịp gặp Bác hai lần nữa. Một lần vào tháng 12/1964 và tháng 2/1969. Trong cuộc gặp lần thứ ba, ông Aphonin nhận thấy Bác Hồ có vẻ mệt mỏi tuy vẫn rất niềm nở, tận tình với các vị khách Liên Xô. Ông không ngờ rằng chỉ hơn nửa năm sau ông đã phải truyền về nước bản thông báo do Việt Nam Thông tấn xã phát sáng 4/9 về việc Bác Hồ từ trần.

Cựu nhà báo Aphonin kể: “Tôi đã làm việc cật lực, không kể đêm ngày, để phản ánh đầy đủ và sâu sắc cho độc giả ở Liên Xô biết về tình cảm của người dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Sau đợt đưa tin này, tôi đã bị ốm một trận ra trò.”

Ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ba lần gặp rất sâu đậm nên khi không còn làm báo nữa thì ông Aphonin vẫn tiếp tục viết về Bác trên cương vị là nhà sử học và nhà thơ. Ông cùng với người bạn học thân thiết từ thời sinh viên và cũng là đồng nghiệp E.Kobelev đã viết hai cuốn sách về Bác Hồ là “Đồng chí Hồ Chí Minh” và “Trò chuyện về Hồ Chí Minh.”

Trong bài “Người đã thấy Mặt trời tháng Mười”, tác giả Aphonin đã viết những vần thơ xúc động: "Những hàng tre hiện về trong giấc ngủ/ Và bến cảng Nhà Rồng, hình bóng mẹ cha/ Tim nhức nhối nỗi đớn đau ly biệt/ Người nén lòng vượt lên mọi buồn đau... Đây Ba Đình - ngày tuyên ngôn độc lập/ Lời Bác Hồ còn mãi ngân vang/ Cả dân tộc Việt Nam như một/ Cùng nguyện thề gìn giữ non sông."

Những vần thơ này cũng đã được ông Aphonin đọc bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Việt trong các đêm thơ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (19/5) do Đại sứ quán Việt Nam và Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tại Nga tổ chức.

Cuộc sống chỉ dựa vào đồng lương hưu eo hẹp và hoàn cảnh gia đình có những khó khăn riêng nên ông Aphonin không có điều kiện trở lại Việt Nam bằng con đường du lịch. Ông tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách đến đặt hoa tại Tượng đài Người ở Mátxcơva. Suốt bao năm qua, ông đau đáu với ước nguyện “lần cuối” về thăm làng Sen, vào Lăng viếng Bác.

Các phóng viên TTXVN thường trú tại Liên bang Nga đã từng nghĩ đến việc nhờ các doanh nghiệp Việt Nam tại Mátxcơva tài trợ cho ông một chuyến về thăm quê Bác. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đã cản trở kế hoạch này. Và bây giờ, ước mong đó đã trở thành hiện thực sau 23 năm đợi chờ ròng rã. Báo cáo của ông tại hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh…” mang tựa đề “Những dòng tâm huyết.”

Chia tay với phóng viên TTXVN trước khi trở lại Mátxcơva, Sergey Aphonin tâm sự rằng ông không dám nghĩ tới cơ hội trở lại Việt Nam một lần nữa khi tuổi đã cao (71 tuổi), bởi thế trong vỏn vẹn một tuần có mặt ở Hà Nội và Nghệ An ông cố gắng thu nhận thật nhiều ấn tượng.

Khởi nguồn từ đây ông sẽ có thêm những bài báo, cuốn sách, vần thơ hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam./.
 Sergey Aphonin là nhà sử học, nhà báo, nhà thơ; phóng viên của Thông tấn xã Liên Xô TASS và báo Komsomolskaya Pravda (Sự thật Thanh niên) tại Việt Nam từ năm 1967 đến 1971; chuyên viên Vụ Việt Nam thuộc Ban Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1975-1988); bình luận viên chính trị, Trưởng ban các nước xã hội chủ nghĩa, Trưởng ban Đông Nam Á của TASS và ITAR-TASS (1988-2003).
Quang Vinh (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục