'Hành động Hướng Đông' của Ấn Độ đang đi sai đường?

Chuyên gia cho rằng chính sách ngoại giao Ấn Độ phải có một cái nhìn mới mẻ về chính sách "Hành động Hướng Đông" và những trở lực do hoạt động kinh tế yếu kém và chính trị gây ra.
Các quốc gia Đông Nam Á không còn nhiều ấn tượng về quyền lực cứng và mềm của Ấn Độ ngay cả khi sự sợ hãi hoặc ngưỡng mộ của họ đối với Trung Quốc đã ngày một lớn mạnh. (Nguồn: techcrunch.com)

Tờ The Indian Express đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu cao cấp Sanjaya Baru thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng (IDSA) Ấn Độ, trong đó ông cho rằng ngoại giao Ấn Độ phải có một cái nhìn mới mẻ về chính sách Đông Nam Á và những trở ngại sẽ phát sinh do hiệu quả kinh tế không đạt yêu cầu cũng như chính trị bè phái và vấn đề nội bộ trong nước. Nội dung như sau:

Phản ứng ở Singapore đối với những nhận xét gần đây của Thủ hiến bang Delhi Arvind Kejriwal về một biến thể virus corona gây bệnh COVID-19 tại Singapore và những phê bình liên quan của ông sẽ cảnh báo giới hoạch định chính sách và các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ về một thách thức ngày càng to lớn hơn đối với vị thế của New Delhi tại Đông Nam Á.

Ngoại trưởng S Jaishankar - người hiểu rõ về Singapore và khu vực, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc đảo này - đã nhanh chóng dập tắt cuộc tranh cãi ngay từ đầu. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng đây chỉ đơn thuần là "việc bé xé ra to."

Phản ứng của chính phủ Singapore, và quan trọng hơn là xã hội dân sự của nước này, thu hút sự chú ý đến một vấn đề lớn hơn mà Ấn Độ phải đối mặt ở khu vực từng được gọi là khu vực Đông Dương.

Kể từ năm 1992, khi cựu Thủ tướng PV Narasimha Rao đưa ra “Chính sách Hướng Đông” vươn tới Đông Nam Á, Ấn Độ tăng cường can dự tích cực vào khu vực trên tất cả các lĩnh vực gồm ngoại giao và an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân.

[Chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngày càng "hung hăng hơn"?]

Tiếp đó, các thời thủ tướng Atal Bihari Vajpayee và Manmohan Singh của Ấn Độ đã phát triển chính sách này dựa trên nền tảng của Narasimha Rao và đã thiết lập được mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bền chặt đến mức vào năm 2007, người được gọi là "người cha lập quốc Singapore" Lý Quang Diệu, vốn luôn hoài nghi Ấn Độ, đã gọi Trung Quốc và Ấn Độ là hai động lực của tăng trưởng kinh tế châu Á.

Tiếp tục cách tiếp cận này, Thủ tướng Narendra Modi đã điều chỉnh "Chính sách Hướng Đông" thành "Chính sách Hành động Hướng Đông."

Tuy nhiên, ba bước phát triển trong 5 năm qua đang thử nghiệm chính sách ngoại giao của Ấn Độ trong khu vực.

Thứ nhất, tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc cùng với căng thẳng Trung-Ấn ngày càng tăng.

Thứ hai, sự thất vọng của khu vực đối với hoạt động kinh tế kém hiệu quả của Ấn Độ.

Thứ ba, mối quan tâm gia tăng của khu vực về cách tiếp cận của Ấn Độ đối với các nhóm thiểu số của nước này, đặc biệt là người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

Sự trỗi dậy ngày càng nhanh của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 với sự quyết đoán ngày càng tăng ban đầu đã tạo ra một tình cảm ủng hộ Ấn Độ mạnh mẽ trong khu vực với nhiều nước ASEAN muốn Ấn Độ đối trọng với sức mạnh tăng cường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế của Ấn Độ và định hướng tập trung vào những vấn đề trong nước, thể hiện qua quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khiến nhiều nước trong khu vực thất vọng. Mặc dù các chính phủ ASEAN và Ấn Độ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp, song giới doanh nghiệp lớn ở Đông Nam Á, chủ yếu là người gốc Hoa, bắt đầu "xa lánh" với Ấn Độ.

Bên cạnh đó, niềm tự hào về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người gốc Hoa ở khu vực.

Điều này được lần đầu kích hoạt khi Trung Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Bắc Kinh vào năm 2008 với niềm tự hào riêng của cộng đồng người gốc Hoa ở Đông Nam Á.

Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và vai trò kinh tế ngày càng tăng góp phần nâng cao vị thế của nước này.

Tuy nhiên, ngay cả gần đây nhất vào năm 2017, trong cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Doklam, nhiều chính phủ ASEAN đã thể hiện sự ủng hộ âm thầm đối với Ấn Độ với hy vọng rằng sự phản ứng mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ có thể giúp kiềm chế những tham vọng địa chính trị của Trung Quốc trong khu vực.

Dường như giữa khoảng thời gian xung đột tại Doklam (2017) và xung đột tại Galwan (2020), Đông Nam Á đã thay đổi trong cách đánh giá về Trung Quốc và Ấn Độ.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về đâu là những lý do chính gây ra sự thay đổi nói trên, do giới tinh hoa trong khu vực sẵn sàng đáp ứng lợi ích của Trung Quốc hoặc do cộng đồng người gốc Hoa ngày càng ngưỡng mộ quyền lực của Trung Quốc hay do các nước Đông Nam Á thất vọng với Ấn Độ.

Nếu lòng trung thành của các cộng đồng người gốc Hoa ở Đông Nam Á định hình một bộ phận của xã hội dân sự ở Đông Nam Á, thì đức tin Hồi giáo xác định một bộ phận lớn khác.

Mối quan ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa chuyên chính Ấn Độ giáo ở Ấn Độ đã tác động đến thái độ của những xã hội dân sự ở những nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Ấn Độ đã triển khai sức mạnh mềm của “ngoại giao Phật giáo,” song cách tiếp cận này không gây được "tiếng vang" do căng thẳng giữa các tôn giáo trong khu vực ngày càng gia tăng.

Ở hầu hết các nước ASEAN, người gốc Hoa theo đạo Hồi, đạo Phật hoặc đạo Cơ đốc.

Việc chính quyền đương nhiệm ngày càng khẳng định tính cách Ấn Độ giáo đã làm suy yếu quyền lực mềm của Ấn Độ, trên toàn cầu và trong khu vực Đông Nam Á.

Tóm lại, tất cả những phát triển này đã làm suy yếu những hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giao lưu nhân dân (P2P) giữa Ấn Độ và ASEAN, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của các nhà ngoại giao để duy trì mối quan hệ tốt giữa chính phủ với chính phủ (G2G).

Mặc dù đã có nhiều phân tích chính sách đối ngoại tập trung vào các mối quan hệ G2G và vào các tuyên bố chính sách chính thức, trong đó nhiều tài liệu được viện dẫn khẳng định mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp, song ít người chú ý đến các xu hướng trong xã hội dân sự và chính trị trong nước đang được định hình như thế nào.

Điểm mấu chốt là bất chấp chính sách "Hành động Hướng Đông" có những ý định tốt đẹp nhất, song vị thế và hình ảnh của Ấn Độ ở Đông Nam Á vẫn bị ảnh hưởng.

Nếu quy tất cả là do sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế và an ninh thì chưa đủ, Bởi cho đến tận một vài năm trước, Ấn Độ vẫn thành công trong việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh khi vận dụng sức mạnh "cứng" và sức mạnh "mềm" của riêng mình.

Tuy nhiên, gần đây hơn, các quốc gia Đông Nam Á và xã hội dân sự dường như không còn nhiều ấn tượng về quyền lực cứng và mềm của Ấn Độ ngay cả khi sự sợ hãi hoặc ngưỡng mộ của họ đối với Trung Quốc đã ngày một lớn mạnh.

Cả ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc và ảnh hưởng của người gốc Hoa trong khu vực đều đang gia tăng.

Ngoài ra, những lập luận về nguồn gốc và cách thức xử lý đại dịch, thật kỳ lạ, đã tạo ra tình cảm thân Trung Quốc trong các cộng đồng người Hoa và nhiều người cho rằng Trung Quốc đã xử lý thách thức một cách hiệu quả trong khi Ấn Độ được coi là đã thất bại.

Điều này cho thấy Đông Nam Á chấp nhận quyền lực mềm của Trung Quốc và sự phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh là một ưu thế để Trung Quốc chủ động và tích cực triển khai chính sách ngoại giao của mình.

Cuối cùng, tác giả cho rằng những xu hướng nói trên cho thấy rằng chính sách ngoại giao Ấn Độ phải có một cái nhìn mới mẻ về chính sách "Hành động Hướng Đông" và những trở lực do hoạt động kinh tế yếu kém và chính trị bè phái cũng như các vấn đề nội bộ trong nước gây ra.

Đây là điều mà giới hoạch định chính sách ngoại giao Ấn Độ cần hành động khi giới chính trị gia theo đuổi những chính sách làm xói mòn tầm ảnh hưởng và sức mạnh của đất nước, thay vì giúp nâng cao vị thế toàn cầu của New Delhi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục