Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Thủ tướng Edouard Philippe trưa 4/12 đã thông báo hàng loạt biện pháp nhằm làm dịu tình hình căng thẳng do phong trào "áo vàng" khởi xướng từ hơn 3 tuần nay trên toàn nước Pháp.
Chính phủ đã quyết định tạm hoãn trong vòng 6 tháng lộ trình tăng thuế nhiên liệu cũng như việc siết chặt các điều kiện kiểm định kỹ thuật đối với xe ô tô, nhất là xe chạy dầu diesel, vốn được lên kế hoạch thực hiện từ đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, chính phủ cam kết sẽ không tăng giá điện từ nay đến tháng 5/2019. Một cuộc thảo luận rộng rãi về thuế và chi tiêu công sẽ được tổ chức từ ngày 15/12/2018 đến ngày 1/3/2019 trên toàn lãnh thổ nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể.
Trước đó vào sáng 4/12, trong buổi làm việc với nhóm nghị sỹ đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) tại Hạ viện, Thủ tướng Philippe đã nhấn mạnh rằng đây là "thời điểm trung tâm của nhiệm kỳ 5 năm."
Ông cho rằng "không khí bạo lực nghiêm trọng" phản ánh rõ "tình trạng nền dân chủ của chúng ta và những mối đe dọa phải đối mặt."
Vậy dư luận xã hội đã phản ứng thế nào đối với sự nhượng bộ ban đầu của chính phủ?
Nhiều người "áo vàng" đã bày tỏ không hài lòng sau khi nghe thông tin về quyết định tạm hoãn tăng thuế xăng dầu.
Ông Benjamin Cauchy, một trong những gương mặt nổi bật của phong trào, giải thích: "Người dân Pháp không muốn những mẩu vụn bánh, họ muốn nguyên cả chiếc bánh mì baguette."
Ông đưa ra yêu cầu phải xem xét lại hệ thống thuế và tổ chức thường xuyên các cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề xã hội lớn.
Đối với nhóm "Yellow Friday Revolution", thuộc phong trào "áo vàng" vùng Bordeaux, "nhìn chung không có gì thay đổi. Đây chỉ là sự tạm hoãn những quyết định mà nếu tiếp tục có thể làm trầm trọng thêm tình hình."
Nhóm này gồm 6.000 thành viên trên Facebook khẳng định sẽ tiếp tục hành động để phản đối chính phủ. "Chúng tôi sẽ không về nhà. Thậm chí chúng tôi vừa đặt một cây thông Noel, chúng tôi sẵn sàng đón Năm Mới ở đây," theo ông Pierre-Gaël Laveder, tham gia phong tỏa đường giao thông từ ngày 17/11 tại Montceau-les-Mines (tỉnh Saone-et-Loire).
Thành viên "áo vàng" 43 tuổi này muốn sửa đổi kế hoạch ngân sách năm 2019, muốn Tổng thống từ chức và giải thể Hạ viện. Ông nói: "Ở đây mọi người chỉ có một nỗi sợ hãi. Đó là tạo ra mối lợi cho riêng mình và cuối cùng, không có gì được thực hiện."
[Dư luận phản ứng tích cực sau bài phát biểu của Tổng thống Macron]
Ông Eric Drouet, một trong những đại diện của phong trào "áo vàng" tại Melun, nhấn mạnh rằng đây không phải là "những gì chúng tôi mong đợi." Ông kêu gọi tiếp tục biểu tình tại Paris, nhất là các địa điểm nhạy cảm như đại lộ Champs-Elysees, Khải Hoàn Môn, quảng trường Concorde.
Đối với các đảng phái đối lập, các biện pháp tạm thời của chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của phong trào "áo vàng". Chủ tịch nhóm Thượng nghị sỹ của đảng Những người Cộng hòa (LR) Bruno Retailleau kêu gọi "hủy bỏ hoàn toàn" việc tăng thuế nhiên liệu. Ông cũng đề nghị Tổng thống Emmanuel Macron ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực bùng phát.
"Quá muộn" là phản ứng của ông Boris Vallaud, phát ngôn viên của các hạ nghị sỹ đảng Xã hội (PS). Theo ông, chính phủ chỉ loại bỏ "giọt nước làm tràn bình. Nhưng còn chính cái bình thì thế nào?"
Ông Manuel Bompard, Giám đốc chiến dịch của đảng Nước Pháp không khuất phục (LFI), chỉ ra rằng chính phủ chỉ "trì hoãn" việc tăng thuế đến thời điểm sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia, bà Marine Le Pen, viết trên Twitter rằng việc tạm hoãn tăng thuế nhiên liệu "không đáp ứng kỳ vọng" của người Pháp.
Chủ tịch đảng Nước Pháp đứng lên (Debout France), ông Nicolas Dupont-Aignan, kêu gọi những người "áo vàng" duy trì hoạt động phản đối trên toàn quốc, ngoại trừ ở Paris nhằm tránh bạo loạn nổ ra.
Đảng Xanh (Europe Ecologie – Les Verts) yêu cầu chính phủ đưa "vấn đề xã hội vào trung tâm của các quyết định của mình."
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel lưu ý rằng trong năm 2019, chính phủ sẽ không tăng tiền lương và lương hưu, nhưng lại tăng tiền thuê nhà và các khoản đóng góp xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua trong dân.
Cho dù hoan nghênh "bước tiến đầu tiên", ông Jean-Christophe Lagarde, Chủ tịch Liên minh dân chủ và độc lập (UDI) đánh giá rằng còn 2 giai đoạn phải thực hiện: Thông qua các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội; Xây dựng lại hệ thống thuế, mô hình xã hội và môi trường bằng cách tổ chức mạng lưới đối thoại hiệu quả với các tổ chức trung gian và đại biểu dân bầu địa phương.
Các tổ chức công đoàn cũng hoan nghênh "hành động đầu tiên" của chính phủ nhằm "mở cánh cửa đối thoại."
Theo Liên đoàn lao động dân chủ Pháp (CFDT), sự đối thoại sẽ đem lại câu trả lời theo hướng đảm bảo "công bằng xã hội" liên quan đến nhà ở, sức mua, tiền lương..., mà không phải xem xét lại chính sách về chuyển đổi sinh thái vì tương lai của nhân loại.
Liên minh công đoàn tự trị quốc gia (UNSA) đánh giá cao "hành động cụ thể đầu tiên, mặc dù muộn", và kêu gọi "tổ chức lại hệ thống thuế như một điều kiện xã hội của quá trình chuyển đổi sinh thái."
Về phần mình, Lực lượng công nhân (FO) khẳng định "sự cần thiết phải tăng các khoản tiền lương nói chung", trong đó có mức lương tối thiểu./.