Hành động của Trung Quốc và tác động môi trường ở Biển Đông

Nội dung bài viết tập trung nêu bật các tác động tiêu cực do hoạt động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc với môi trường biển và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc và tác động môi trường ở Biển Đông ảnh 1Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập ngày 17/7/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các tác giả James Borton là hội viên không thường trú tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế Sài Gòn - Đại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi là Chủ tịch Hội thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam đã có bài viết về hành động của Trung Quốc và tác động môi trường ở Biển Đông

Nội dung bài viết tập trung nêu bật các tác động tiêu cực do hoạt động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc với môi trường biển và tự do hàng hải ở Biển Đông, kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực và ngay chính Trung Quốc cần thể hiện trách nhiệm lớn hơn nữa trong vấn đề này.

Từ tháng 12/2013 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng, cải tạo được thêm tổng cộng tới 1.200ha diện tích các đảo, đá ở Biển Đông. Những tác động về mặt địa chính trị của các hành động cải tạo, bồi đắp này đã được ghi nhận rất rõ: Phần lớn các hoạt động trên diễn ra ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, điều ít được bàn đến hơn là tác động môi trường của các hành động này, những tác động đã chạm đến ranh giới của thảm họa.

Các hành động của Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho nguồn tài nguyên cá, đe dọa đa dạng sinh học biển, tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với đời sống của một số loài sinh vật biển điển hình nhất.

Hàng nghìn rặng san hô, thảm cỏ biển, các hệ sinh thái ngập nước khác đang bị phá hủy và chôn vùi một cách nhanh chóng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đẩy nhanh các hành động tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông.

Hoạt động cải tạo đảo đã làm suy giảm mối liên hệ sinh học giữa quần đảo Trường Sa với Biển Đông, cắt đứt nguồn cung cấp dinh dưỡng mà các hệ sinh thái này phải dựa vào để tồn tại.

Hơn nữa, lập trường hiếu chiến của Trung Quốc, cùng với việc chưa phân định được chủ quyền cũng như nguồn tài nguyên cá đối với khu vực đã dẫn tới việc đánh bắt cá quá mức mang tính hủy diệt, làm suy giảm hệ sinh thái biển và đe dọa các loài có nguy cơ tuyệt chủng, như rùa biển, cá mập, trai tai tượng.

Kể từ năm 2010, trữ lượng thủy sản ở quần đảo Trường Sa và vùng phía Tây của Biển Đông đã giảm tới 16%.

Khoảng 300 triệu người dân đang sống dựa vào các nguồn tài nguyên biển của Biển Đông; nếu như Trung Quốc tiếp tục các hoạt động của họ, nguy cơ về sự bất ổn kinh tế trên quy mô lớn sẽ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, không chỉ đối với các nước ven bờ, Biển Đông còn là một phần quan trọng của cả thế giới. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế thiết yếu, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nơi có đến 300 tàu lớn, trong đó có 200 tàu chở dầu qua lại mỗi ngày.

Cộng đồng quốc tế cần chỉ trích các hành động quân sự hóa đối với quần đảo Trường Sa của Trung Quốc, thúc giục nước này chấm dứt các hành động trên, nhằm làm giảm các nguy cơ của một cuộc xung đột mà tác động thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với môi trường biển.

Ở mức độ rộng hơn, tất cả các nước có trách nhiệm đối với việc làm suy giảm và phá hủy các hệ sinh thái ngập nước ở Biển Đông cần phải ngừng ngay các hành động đe dọa hệ sinh thái của khu vực và các hoạt động kinh tế khác.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và cả phần rộng lớn của Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn,” một đường phân định vươn rất xa xuống phía nam lãnh thổ của Trung Quốc, vốn liên tục bị chỉ trích kể từ khi được đưa ra sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Các hành động cải tạo đảo của Trung Quốc gần đây vi phạm các công ước về môi trường quốc tế, trong đó có Công ước về đa dạng sinh học (CBD) và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã (CITES).

Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, vốn bảo đảm quyền tự do hàng hải. Hoạt động quân sự hóa quần đảo Trường Sa rõ ràng cũng vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Tuyên bố này đòi hỏi các bên ký kết (gồm các thành viên ASEAN và Trung Quốc) phải “thực thi kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp và gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.” Tuyên bố cũng yêu cầu các bên “từ bỏ các hành động đưa người cư trú trên các đảo, đá, bãi, san hô và các thực thể khác hiện không có người cư trú, đồng thời giải quyết các khác biệt trên tinh thần xây dựng.”

13 năm sau tuyên bố DOC, khối ASEAN cần tăng cường thêm nỗ lực của mình để đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về tình trạng của quần đảo Trường Sa và Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cũng cần phải ủng hộ nỗ lực này.

Tất cả các nước trong khu vực có trách nhiệm theo dõi và bảo vệ môi trường biển và quản lý các nguồn tài nguyên biển.

Nhưng trách nhiệm thực sự nằm ở phía Trung Quốc vì nước lớn trên thế giới có trách nhiệm lãnh đạo bằng việc làm gương trong thực thi luật quốc tế. Trung Quốc cần phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, và hãy bắt đầu từ Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục