Nhiều chuyên gia nước ngoài đã lên án các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington, ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development), cho rằng dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Theo ông Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại London, Tiến sỹ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cũng là một bên phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam mới đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là rất nguy hiểm và “không thể chấp nhận được.”
Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực.
Các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần lên án những hành động như vậy.
['Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế']
Ngày 25/4, hãng tin ANNA-News của Nga dẫn ý kiến chuyên gia nước này cho rằng việc Trung Quốc mới đây tuyên bố đặt tên cho các thực thể địa lý ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.
Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn nguồn tin trên nhấn mạnh UNCLOS 1982 viết rằng các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các chủ thể dưới mặt nước biển nếu như các chủ thể này không nằm trong phamk vi 12 hải lý tính từ điểm xác định gần nhất trên đất liền. Do đó, việc Trung Quốc đặt tên cho các đảo, đá và các thực thế dưới đáy Biển Đông là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế.
Cũng theo hãng tin ANNA-News, trong những năm gần đây, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và phát triển cơ sở hạ tầng ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế bất bình.
Trước đó, một số chuyên gia Nga cũng lên án việc Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa" là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Bình luận trên tờ Times of India, nhà báo Rudroneel Ghosh cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa,” là hành động đơn phương, gây hoài nghi hơn nữa về các động cơ của Trung Quốc ở Biển Đông và làm phương hại sự ổn định trong khu vực.
Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai."./.